Nên có tầm nhìn xa hơn cho qui hoạch

Cập nhật 27/03/2008 10:00

Ngày 27-3, HĐND thành phố họp phiên bất thường với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc xem xét mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Những ngày qua, vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội và cả nước. Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc:

* Ông Trương Văn Đô (Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Sơn Tây, e-mail: Dochaidiepnoong @yahoo.com): Chúng ta không thể chậm trễ nữa !

Đề xuất của Bộ Xây dựng là rất hợp lý trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một thủ đô với diện tích mới. Mong rằng Chính phủ sẽ sớm thông qua đề xuất của Bộ Xây dựng, chỉ đạo Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh các dự án đã và đang xây dựng ở Hà Tây, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc... Đồng thời, có các chỉ đạo để quá trình hình thành các đô thị mới được phát triển đồng bộ, thị trường bất động sản cũng phát triển lành mạnh hơn, không để xảy ra tình trạng “nóng rồi lại lạnh” như vừa qua.

Theo tôi, khi mở rộng, nên lấy Hà Nội hiện nay làm đô thị hạt nhân và lấy các đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn là các đô thị vệ tinh. Nên cắt huyện Mỹ Đức về Hà Nam. Khi đất nước ta ở một tầm cao mới, mới tính đến việc xây dựng Hà Nội với trục sông Hồng. Bên cạnh đó, tôi cũng mong Chính phủ quan tâm đến các làng nghề truyền thống của Hà Tây, không để xảy ra tình trạng do phát triển đô thị mà làm mất đi các làng nghề có từ rất lâu đời.

* Ông Nguyễn Quang Minh (71A Nguyễn Du, Hà Nội): Nên thành lập những vùng đệm của Thủ đô...

Tôi đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng: Nên thành lập những vùng đệm của thủ đô trên địa giới các tỉnh bao quanh Hà Nội và quy hoạch của chúng phải do Thủ tướng hoặc cơ quan thẩm quyền ở Trung ương quyết định. Nói cách khác, các thành phố vệ tinh của Hà Nội phải tôn các giá trị của thủ đô, nhưng chúng không nhất thiết phải thuộc Hà Nội. Các đô thị vệ tinh sẽ lần lượt thỏa mãn các nhu cầu của thủ đô như: Nhà ở, khu kinh doanh, công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, vui chơi... Làm như vậy, áp lực quy hoạch Thủ đô, sự “sôi sục” về giá đất, bất động sản có lẽ đã không diễn ra “hoành tráng” ngoài tất cả các dự đoán của các nhà hoạch định chính sách vĩ mô.

* Bà Lan Hương (Washington DC - Hoa Kỳ, e-mail: llanhuong@yahoo. com): Nên có tầm nhìn xa hơn cho quy hoạch...

Mở rộng Thủ đô Hà Nội là việc phải làm nhưng quy hoạch và tổ chức ra sao thì cần dựa vào chuyên môn, bởi lẽ, đây không phải là vấn đề đơn giản nên hay không nên, mà là một việc lớn khi tính đến quy hoạch đô thị. Do đó, phải tính đến thời gian quy hoạch cho 50 năm, không làm mất đi những di tích của những tỉnh định quy hoạch để sáp nhập vào Hà Nội. Mong rằng Bộ Xây dựng sẽ tính toán chặt chẽ từng khâu: Quy hoạch, kêu gọi đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng... Nếu chúng ta làm thật tốt khâu chuẩn bị thì tôi tin rằng đề án này sẽ được người dân ủng hộ.

* Ông Lê Thắng (Hà Nội, e-mail: thangle73@ yahoo.co.uk): Mở rộng Hà Nội là cần thiết...

Để xứng tầm với thủ đô và các thành phố lớn trên thế giới, việc mở rộng Hà Nội là rất cần thiết. Hiện nay, quy hoạch về giao thông ở khu vực Hà Nội và Hà Tây là rất tốt, thể hiện ở các trục giao thông chính như vành đai 3, vành đai 4... Các khu vực quy hoạch của Hà Tây như các khu Mỗ Lao, An Khánh... cũng đang từng bước được xây dựng thành các dự án nhằm phát triển các khu dân cư. Về địa lý, khu vực Hà Tây rất thuận tiện cho việc xây dựng các khu dãn dân và khu dân cư với địa chất khá tốt. Đồng thời, cũng giống các khu vực lân cận, Hà Tây cũng có nhiều khu vực có lịch sử văn hóa và khu vực du lịch tự nhiên rất hấp dẫn. Về tương lai lâu dài, tôi nghĩ các tỉnh lân cận khác cũng dần dần sáp nhập về Hà Nội, như Hưng Yên, Bắc Ninh, để Hà Nội trở thành một thành phố lớn xứng tầm.

* Ông Đỗ Quang Giám (Hà Nội, e-mail: dqgiam@ yahoo.com): Sáp nhập một phần của Hà Tây vào Hà Nội mới là giải pháp hoàn hảo.

Hiện tại chúng ta phải thừa nhận rằng Hà Nội chưa khai thác hết tiềm năng to lớn của chính Hà Nội. Đã bao năm nay chúng ta đã nhìn thấy dòng sông Hồng như món quà vô giá thiên nhiên ban tặng, nhưng vì lý do này hay lý do khác mà chúng ta chưa khai thác được. Nếu xúc tiến sang bờ bắc, nơi mà các tòa nhà, các cao ốc có thể hướng ra dòng sông Hồng đón gió Đông Nam thì quả là lý tưởng như Dự án “Thành phố sông Hồng”.

Đấy là chưa kể đến lợi thế về sân bay, cảng biển, hành lang kinh tế... Nếu phát huy được lợi thế này thì Hà Nội mới cạnh tranh ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực. Còn nếu phát triển sang phía tây thì có lợi thế là đất đai rẻ, nhưng nếu Thủ đô “ôm” trọn cả Hà Tây thì có lẽ sẽ kéo lùi sự phát triển của Hà Nội, và có thể 50 năm hoặc lâu hơn nữa chúng ta mới có được một Hà Nội như mong đợi. Còn nếu chỉ sáp nhập một phần của Hà Tây vào Hà Nội thì đó mới là giải pháp hoàn hảo...

Theo Hà Nội Mới