“Nên cấm kinh doanh địa ốc tại khu vực nhạy cảm”

Cập nhật 10/03/2014 11:57

Dù cơ quan thẩm tra đã cơ bản đồng tình với cơ quan soạn thảo nhiều vấn đề, song mở rộng các quy định kinh doanh bất động sản đến mức nào thì vẫn là vấn đề gây nhiều băn khoăn.


Trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại phiên họp sáng 10/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết dự thảo luật đã bổ sung nhiều nội dung mới. Trong đó có nhiều quy định thông thoáng hơn luật hiện hành.

Chưa kiểm soát được thì chưa nên mở rộng?

Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo dự thảo luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản theo 4 hình thức: đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Bộ trưởng Dũng cũng giải thích, dự thảo luật chưa mở rộng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật vì Luật Đất đai 2013 chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Giới hạn này được cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản đối với khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng quy định như thế rộng mà khó, vì chỗ nào cũng dễ nhạy cảm. "Nên quy định là cấm hoạt động kinh doanh bất động sản ở đất quốc phòng an ninh", ông Sơn đề nghị.

Rất băn khoăn, Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc nói, “rất sợ” mở rộng quyền kinh doanh bất động sản cho người nước ngoài mà không kiểm soát được. Nếu chưa kiểm soát được thì chưa nên mở rộng, ông Phúc đề nghị.

Với quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phạm vi mở rộng được khá nhiều ý kiến đồng tình. Song, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh bất động sản để phù hợp với từng đối tượng kinh doanh. Vì theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam thì khái niệm người gốc Việt Nam là rất rộng, có những trường hợp như người nước ngoài.

Lo ngại kinh doanh ảo

Một điểm mới khác là dự thảo luật đã mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần cân nhắc giữ như luật hiện hành, chứ không nên mở rộng, dễ gây nên hiện tượng kinh doanh ảo. Bởi, hiện nay một số dự án bất động sản tương lai tương đối mờ mịt, thậm chí người đã nộp tiền nay còn không biết đòi tiền ở đâu.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền góp ý, cần có quy định rất rõ để người tham gia dự án phải có quyền giám sát quá trình hình thành bất động sản trong tương lai đó.

Lo ngại hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có các quy định chặt chẽ về vấn đề này, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.

Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo luật cũng đã bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị xem xét thật kỹ, tránh việc khi cần qua sàn thì nói đó là việc rất tốt, khi muốn bỏ thì lại nói ngược lại.

Bỏ quy định bắt buộc qua sàn cũng có lý, nhưng sàn giao dịch bất động sản là biểu hiện bậc cao trong giao dịch, rất văn minh, không nên bỏ mà nên quy định chặt chẽ để nó văn minh thực sự, Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện thêm dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy