Nâng cấp cụm đô thị miền Đông Nam bộ: Còn nhiều trắc trở

Cập nhật 25/10/2008 01:00

Trong hoạt động định kỳ, ngày 24-10, tại TP Vũng Tàu, lãnh đạo các đô thị ở khu vực miền Đông Nam bộ và Hiệp hội Các đô thị Việt Nam đã ngồi lại, cùng nhau bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ các trở ngại, tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển cụm đô thị này.

Bộ mặt đô thị còn ngổn ngang

Theo tham luận của UBND TPHCM, phân bố dân cư không đều và quá tập trung vào khu vực nội đô đã gây nhiều bất cập trong phát triển và quản lý đô thị ở TPHCM. Toàn bộ kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư và luôn chiếm 80% tổng vốn ODA nhưng còn quá nhiều nhu cầu chưa được giải quyết căn bản như cấp thoát nước, giao thông nội thị, môi trường, quản lý kiến trúc đô thị…

Mặc dù chỉ chiếm 21% diện tích nhưng nội thành chiếm hơn 81% dân số. Quỹ nhà ở nhiều năm gần đây đã tăng lên đáng kể nhưng tỷ lệ nhà bán kiên cố còn rất cao (64%), chưa kể còn trên 15.000 hộ đang sống trên và ven kênh rạch ô nhiễm.

Một trong những nguyên nhân lớn nhất của thực trạng trên là do yếu kém trong quy hoạch đô thị. Việc xây dựng các công trình khi không có kế hoạch đầu tư kịp thời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chưa có đầy đủ cốt xây dựng phù hợp với từng khu vực, đã để lại nhiều hậu quả xấu.

Lãnh đạo UBNDTP Vũng Tàu cũng thừa nhận là TP này vẫn còn nhiều tồn tại như lãng phí sử dụng đất đai, nước ngầm; chậm giải quyết việc làm và nhà ở cho người thu nhập thấp… Đặc biệt, dù là một TP du lịch nhưng môi trường sinh thái của Vũng Tàu còn bị ô nhiễm nặng do rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, chất thải công nghiệp… chưa được quản lý và xử lý tốt.

TP Biên Hòa (Đồng Nai) lại phát triển mất cân đối giữa các vùng, giữa nội đô và ngoại thành. Bên cạnh đó, Biên Hòa còn khoảng 8.000 hộ phải giải tỏa trắng để triển khai các dự án theo quy hoạch nhưng việc xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư còn chậm nên gây ra nhiều hệ lụy xã hội.

Đa dạng nguồn tài chính đô thị

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, nhìn từ góc độ tài chính, phát triển đô thị là sự huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn; hình thành cơ chế giám sát tài chính trong các hoạt động chỉnh trang đô thị, tạo quỹ nhà…

Để có nguồn tài chính đô thị dồi dào, kinh nghiệm lớn nhất của TPHCM là phải tạo dựng được lòng tin giữa chính quyền và người dân, chính quyền và các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế. Nhờ vậy, công tác phát triển giao thông, mở rộng hẻm, xóa đói giảm nghèo… ở TP đã nhận được nhiều sự hưởng ứng của nhân dân và quốc tế.

Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào các khu đô thị mới bằng việc hỗ trợ và thực hiện di dời, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, các cơ chế đấu thầu dự án, huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu giá trị đất cũng đang được đổi mới.

TP Vũng Tàu có một số hình thức “kiếm vốn” cũng khá linh động như lựa chọn giải pháp bán đấu giá một số công sở có giá trị thương mại cao để bổ sung vào ngân sách. Với cách làm đó, hệ thống công sở được chuyển dần về khu vực Đông Bắc TP nhằm sử dụng quỹ đất có giá trị thấp ở đây, đồng thời cũng để mở rộng không gian đô thị về hướng này.

Với TP Biên Hòa, giải pháp tạo vốn nổi bật nhất để phục vụ xây dựng, “lên đời” đô thị là thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nhờ nguồn vốn này mà nhiều năm qua Biên Hòa đã có được cơ sở hạ tầng khá tốt, cơ cấu kinh tế hiện đại, hàng triệu người dân đã có được việc làm với thu nhập cao và ổn định.

Để định hướng các giải pháp tạo được nguồn vốn đô thị bền vững, PGS-TS Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Việt Nam (Bộ Xây dựng), cho rằng trước hết các cấp địa phương phải thay đổi “chất” đội ngũ cán bộ để tăng cường năng lực quản lý tài chính. Đó cũng là yếu tố cần thiết để địa phương có thể tận dụng được tối đa Luật Ngân sách nhằm tạo thêm nguồn vốn cho công tác cải thiện dịch vụ và hạ tầng đô thị.

Tiếp đó, nên nâng cao mức thu phí đối với các dịch vụ đô thị nhưng giữ cố định mức phí đối với người nghèo; tiếp tục rà soát các cơ chế tài chính về bồi thường và giải phóng mặt bằng sao cho có lợi cho cả người dân và dự án phải thực hiện.

Bên cạnh đó, cần năng động hơn nữa trong việc đề ra các cơ chế khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết để phát triển được các khu đô thị, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị tiên tiến.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng