Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế của chương trình nhà ở xã hội hiện chưa đủ sức hút doanh nghiệp tham gia. những nguyên nhân khiến cho chương trình này bị “Dậm chân tại chỗ” đã được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) tổ chức vừa qua tại TPHCM.
20% quỹ đất nên hay không?
HoREA đã đưa ra 14 vấn đề liên quan mật thiết đến nhà ở xã hội để các doanh nghiệp thảo luận và trình bày ý kiến. trong đó, HoREA đặc biệt nhấn mạnh đến những điểm khiến cho chương trình nhà ở xã hội khó thực hiện những quy định trích nộp 20% đất để xây nhà xã hội, quy định về thời gian thu hồi vốn 20 năm, khống chế lợi nhuận không quá 10%, tự tạo quỹ đất để xây nhà, nên rót vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp hay người mua nhà…
Ông Nguyễn Phụng Thiều - Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Gia Định cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội, không cần miễn giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia mà nên tập trung vào vấn đề xây dựng cơ chế thông thoáng, quy định thủ tục phải nhanh gọn, giảm phiền hà. Đặc biệt, theo ông Thiều, nên giảm thuế cho người hưởng thụ sản phẩm nhà ở xã hội như miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế VAT, tạo điều kiện bằng cách cho vay vốn với lãi suất thấp (có thể bằng 0%) và thế chấp bằng chính căn nhà họ đang mua. “tôi cho rằng không nên quy đinh dự án trên 10 héc ta phải nộp 20% quỷ đất để làm nhà ở xã hội. bởi, nếu cần thì doanh nghiệp có thể “lách” quy định này bằng cách phải xin dự án 9 héc ta để khỏi phải trích quỹ đất. Mặt khác, một dự án ở thương mại cao cấp, xen vào đó 20% nhà ở xã hội thì rất khó coi. Vì vậy, cách hiệu quả nhất là xem xét vị trí đất, hiệu quả khai thác sau đó quy ra tiền để doanh nghiệp nộp vào ngân sách, Sau đó lấy số tiền này đầu tư vào nhà ở xã hội”.
Ông Trần Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam gây bất ngờ khi cho biết, dự án ở phường Trường Thạnh - quận 9 do Nhà Việt Nam làm chủ đầu tư, dù đã tình nguyện trích nộp 20% quỹ đất nhưng hơn một năm qua vẫn chưa có cơ quan nào nhận. Ông thành nói: ”Tôi rất nóng lòng nộp đất đã có hạ tầng cho nhà nước để được cấp sổ đỏ cho phần còn lại nhưng cơ quan có thẩm quyền trả lời là chưa có văn bản nào hướng dẫn nên tạm thời bị “treo” lại, để đó”. Ông Thành cho biết: “Sau một chuyến đi khảo sát chương trình nhà ở xã hội tại Bangkok (Thái lan), tôi thấy do cơ chế thông thoáng và rất tâm huyết của chính quyền thành phố Bangkok trong vòng 8 năm, họ đã xây dựng được gần 300 căn nhà xã hội”. Ông Thành cũng trình bày tỷ mỹ về kinh nghiệm tổ chức thực hiện nhà ở xã hội ở Thái Lan. Chẳng hạn, trước khi doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, chính quyền Bangkok đã khảo sát rất kỹ nhu cầu mua nhà của người dân và khả năng tài chính, cần xây dựng loại hình căn hộ như thế nào cho phù hợp… ông Thành cho rằng cần phải đa dạng hóa các loại nhà ở, kể cả căn hộ chung cư diện tích nhỏ, nhà phố trên đất phân lô…
Khó thu hồi vốn!
Một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp “ngán” nhất khi xây nhà xã hội là thời gian thu hồi vốn quá lâu và khó thu hồi vốn. Ông Trần Văn Thành cho rằng, ngoài việc đầu tư kinh doanh kiếm lợi nhuận, doanh nghiệp cũng muốn tham gia đóng góp cho xã hội thông qua các chương trình nhà ở do nhà nước khởi xướng. Tuy nhiên, thời gian thu hồi vốn quy định 20 năm là quá lâu, trong khi nguồn vốn doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, khống chế lợi nhuận khi xây nhà ở xã hội không quá 10% là được, nhưng khống chế luôn cả thời gian thu hồi vốn 20 năm là một quy định cứng nhắc, cần phải xem xét lại.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ xây dựng) cho biết: ”Hiện nay, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn xây dựng khu nhà ở cho công nhân có thể vay với lãi suất 6,9% năm (trong vòng 12 năm, 2 năm ân hạn), nếu doanh nghiệp nào tham gia thì có thể đăng ký với sở để được quyền vay ưu đãi này”. Còn về việc thu hồi vốn chậm đến 20 năm khiến cho doanh nghiệp có thể gặp khó khăn, ông Ninh cũng cho biết sẽ tập hợp ý kiến này để trình lên bộ xem xét lại.
Ngoài ra, ông Ninh cũng cho biết 5 tháng qua có 4 lần trình để cấp có thẩm quyền phê duyệt định nghĩa đối tượng thu nhập thấp nhưng vẫn chưa xong. Vì vậy, hiện đang lấy ý kiến đóng góp từ 18 tỉnh thành và 8 bộ ngành để định nghĩa được khái niệm đối tượng thu nhập thấp. liên quan đến các ý kiến của các doanh nghiệp đề nghị hủy bỏ quy định cơ quan nhà nước phê duyệt dự án đầu tư các dự án tư nhân, ông Ninh cho biết, trong tháng 11 sẽ trình chính phủ dự thảo sữa đổi Nghị Định 90, trong đó quy định nếu dự án không phải vốn ngân sách thì chủ đầu tư tự duyệt dự án đầu tư.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, đến nay trên cả nước đã đăng ký 263 dụ án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, 264 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Riêng nguồn vốn xây dựng ký túc xá cho sinh viên, trong số 3.500 tỷ đồng chính phủ đã phê duyệt thì TPHCM được phân phối 800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, con số đăng ký nhà ở xã hội chưa nói lên điều gì cả, vấn đề là phải bắt tay vào thực hiện như thế nào. ”Để chương trình có tính nhân văn đối với cộng đồng này đem lại hiệu quả cho xã hôi, tôi nghĩ nhà nước phải chịu trách nhiệm chính, doanh nghiệp chỉ góp sức vào mà thôi. Nếu không có một cơ chế đặc thù và bộ máy có đủ quyền lực điều hành, chương trình nhà ở xã hội sẽ khó thành công” - ông Đực nói.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG