Mục tiêu tạo cơ hội có nhà ở cho khoảng 1 triệu gia đình đến năm 2020 thông qua Chương trình nhà ở xã hội có thể sẽ “dang dở” nếu không có thêm những giải pháp quyết liệt hơn.
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và ngày càng tăng. Ảnh: Lê Toàn
|
Cho tới thời điểm này, câu chuyện về phát triển nhà ở xã hội vẫn là một vấn đề “nóng hổi” mang tính thời sự, đặc biệt là khi gói 30.000 tỷ đồng đã cam kết giải ngân hết.
Dù đúng ngày cuối cùng của tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo tiếp tục giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016, thay vì kết thúc vào ngày 1/6/2016. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có ý kiến đồng ý với phương án này. Thế nhưng, thực tế mong chờ của các thành viên thị trường là hơn thế.
Theo nội dung công văn mà NHNN trình Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn gói 30.000 tỷ đồng, sẽ cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo, sữa chữa lại nhà ở tối đa đến ngày 31/12/2016. Tổng số tiền tái cấp vốn khoảng 32.738 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều này chỉ mang lại niềm vui với những khách hàng có tiến độ nhận nhà rơi đúng thời điểm này, còn thực tế với những khách hàng nhận nhà sau thời điểm cuối năm 2016 thì chỉ còn lại một nửa, thậm chí còn chưa tới 1/3 khi nhiều dự án vẫn còn chưa đủ điều kiện giải ngân tiếp ngay trong năm nay.
Bên cạnh đó, cũng theo phương án của NHNN, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, thì sẽ dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN. Điều này đồng nghĩa với việc các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn phải trả lãi thương mại sau ngày 1/6/2016.
Tại báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2015 và quý I/2016 của Savills và CBRE đều đưa ra nhận định, sau 1 năm phân khúc căn hộ cao cấp bùng nổ thanh khoản, năm 2016, loại hình căn hộ giá rẻ sẽ được thị trường chú ý hơn. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin về gói 30.000 tỷ đồng bị khóa lại, góc nhìn của các đơn vị này đã thay đổi theo hướng về sự đi xuống của các phân khúc nhà ở giá rẻ, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại vay gói lãi suất 30.000 tỷ đồng.
Theo ghi nhận phản ánh từ một số DN tới Đầu tư Bất động sản, nhiều dự án nhà ở xã hội mà họ đầu tư đã “đóng băng” giao dịch từ vài tháng nay. Chẳng hạn tại dự án AZ Bright City do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư hồi giữa tháng 3 đã phải hoãn kế hoạch mở bán chỉ vài ngày sau khi thông tin “khóa” gói 30.000 tỷ được lan truyền.
Ngoài ra, một số dự án khác cũng đã phải nhanh chóng rũ mác “giá rẻ” của mình ngay khi thông tin gói này hết hạn như tòa nhà T2 trong khuôn khổ Dự án Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội), dự án Gemek Tower (Hoài Đức, Hà Nội), dự án The Golden An Khánh; Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát với tòa căn hộ CT1 - 104 mua lại từ CTCP Sông Đà Thăng Long tại Dự án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội)…
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Thế Hưng, Phó giám đốc CTCP Bất động sản AZ, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bright City đánh giá, nhà ở xã hội có đặc thù là phụ thuộc vào chính sách, gần như toàn bộ khách hàng đều trông chờ vào việc hỗ trợ vay vốn mua nhà. Vì thế, khi chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi không còn, nhà ở xã hội cũng không còn khách mua
Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành - đơn vị phát triển các dự án nhà ở cho thuê mua trong vòng 49 năm - cho biết: “Công ty phát triển dòng sản phẩm giá rẻ cho người thu nhập thấp và trung bình, thu hút rất nhiều khách hàng. Nếu nhà ở xã hội thuận lợi, Công ty sẽ triển khai, nhưng tình hình như hiện nay thì chưa thể nói trước điều gì”.
Trong kiến nghị gần nhất của mình, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cần sớm tháo gỡ vướng mắc trong chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện tại, đặc biệt là việc sớm đề xuất phương án gói tín dụng mới giải ngân nối tiếp luôn ngay sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, nếu không chương trình phát triển nhà ở xã hội khó thực hiện theo mục tiêu đề ra.
Đầu tháng 6/2016, Chính phủ đã có Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100. Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016 và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Tuy nhiên, gần 1 tháng kể từ khi Chính phủ có quyết định này, chương trình vẫn chưa được triển khai. Theo đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, chính sách đã có, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện tại là việc sắp xếp nguồn vốn để thực hiện, bởi các Bộ, ngành liên quan đều đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho nhiệm vụ này
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản