Nan giải cải tạo, xây mới chung cư cũ, TP.HCM 'xé rào'

Cập nhật 19/12/2016 14:17

474 chung cư cũ tại TP.HCM đang bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó tại một số khu chung cư người dân phải sống trong cảnh sợ hãi vì nơi ở có thể sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc cải tạo, xây mới thay thế chung cư cũ diễn ra còn chậm chạp do “vướng” nhiều bất cập.


Bất cập vì… dân không chịu di dời

Nằm ngay tại quận 1, giữa khu đất vàng của thành phố - khu phố Tây Sài Gòn, thế nhưng 80 hộ dân sinh sống tại chung cư 155-157 Bùi Viện đang phải sống trong một không gian vô cùng chật chội, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng.

Chung cư 155-157 Bùi Viện là một trong số các chung cư cũ của TP.HCM xây dựng trước năm 1975. Theo kết quả kiểm định đánh giá của Sở Xây dựng TP.HCM, mức độ nguy hiểm của tòa nhà là cấp D - khả năng chịu lực không thể đáp ứng với yêu cầu sử dụng bình thường.

Chung cư hiện rơi vào cảnh nguy hiểm tổng thể, yêu cầu phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở đây không đồng tình với việc di dời, một phần vì họ cho rằng kết cấu và nội thất chung cư vẫn còn tốt, chỉ cần sửa sang lại một chút là tiếp tục ở được, một phần họ lo ngại việc phải chuyển sang nơi ở mới không thuận lợi như ở khu đất vàng này.

Cũng tọa lạc ngay quận 1, chung cư Cô Giang thuộc hạng chung cư xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc giải quyết di dời vẫn còn nan giải do vướng công tác bồi thường.

Mặc dù chung cư này nằm trong chủ trương di dời của thành phố từ năm 2006, và cho đến năm 2011 thành phố đã tiếp tục có kế hoạch di dời khẩn cấp. Một số chung cư cũng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư 47 Long Hưng (quận Tân Bình)...

Nhiều người dân có tư tưởng cố gắng bám trụ nơi ở cũ, hoặc mong được tái định cư tại chỗ vì sợ tiền bồi thường không đủ mua nhà mới. Số liệu từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, hiện toàn thành phố có 474 khu chung cư cũ, hư hỏng (tương ứng 565 lô chung cư).

Các chung cư tại khu vực có điều kiện thu hút đầu tư được phân bố chủ yếu tại quận 1, 3, 4, 5, 10, Bình Thạnh.

Đặc biệt, một số khu chung cư có số lượng căn hộ và quy mô diện tích lớn, việc chỉnh trang đô thị xây dựng mới chung cư tại khu vực này sẽ có điều kiện tạo quỹ đất xây dựng công trình công cộng và không gian mở như: chung cư Nguyễn Thiện Thuật, cư xá Đường Sắt, chung cư Thanh Đa, chung cư Ngô Gia Tự, chung cư Ấn Quang… Các chung cư khác được phân bố rải rác, xen cài trong khu dân cư hiện hữu tại các quận còn lại.

Phân cấp thực hiện cải tạo, xây mới chung cư cũ

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có đưa ra chủ trương, mục tiêu: “Trong năm 2016, hoàn tất công tác kiểm định toàn bộ 474 chung cư cũ, hư hỏng, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ. Giao Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố ban hành các tiêu chí đầu tư xây dựng chung cư mới và thực hiện phân cấp (hoặc ủy quyền) cho quận - huyện thực hiện mời gọi đầu tư”.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, việc đầu tư xây dựng mới thay thế các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn tính mạng của các hộ dân, cải thiện môi trường ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.

Các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc được xem xét áp dụng riêng cho chương trình này cần có sự ưu đãi về hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu sử dụng đất, quy mô dân số để thu hút đầu tư nhưng vẫn phù hợp các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ có lợi nhuận hợp lý. Vấn đề quan trọng của việc xây dựng lại chung cư mới là phải đảm bảo quy mô để tái bố trí dân cư hiện hữu và có phần dư thêm để thu hút đầu tư. Mặt khác, cũng cần đảm bảo về nhu cầu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu vực dự án.

Ngày 21.11 vừa qua, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản nêu kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa, trong đó giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận phân nhóm, lồng ghép các chung cư có lợi thế và không có lợi thế vào chung các gói đầu tư thực hiện cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ bị hư hỏng nặng, xuống cấp để mời gọi đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư đổ dồn thực hiện tại các khu vực có khả năng sinh lợi cao và không đầu tư vào các khu vực kém hiệu quả khai thác.

Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép địa phương trao quyền cho các quận, huyện thực hiện những công việc thuộc thẩm quyền của UBND thành phố cũng như của các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ xây mới chung cư cũ trên địa bàn.

Theo đó, UBND các quận, huyện được phê duyệt dự toán kinh phí kiểm định, sửa chữa; phê duyệt công bố kế hoạch cải tạo xây mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn; công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định chủ đầu tư, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án di dời, bố trí tạm cư, phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp, đồng thời ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án...

DiaOcOnline.vn - Theo Duyên dáng Việt Nam