Nan giải cách giải cứu

Cập nhật 19/01/2013 08:15

Tháo gỡ hay giải cứu thị trường bất động sản được dư luận dự báo sẽ là một trong ít vấn đề “nóng” nhất của năm 2013 cùng với việc xử lý nợ xấu, khiến Thủ tướng phải họp bàn biện pháp giải cứu ở hai đô thị lớn nhất cả nước TP.HCM và Hà Nội, nơi “tảng băng” bất động sản lâu nhất và khó phá nhất. Trước đó, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng đã có các cuộc gặp gỡ, thảo luận với các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này.

Câu hỏi lớn nhất được các chuyên gia đặt ra là: Cứu doanh nghiệp bất động sản hay cứu người dân có nhu cầu mua sử dụng? Cách cứu như thế nào? Từ sau quý I-2012, Chính phủ đã hạn chế ngân hàng cho vay bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, trên thực tế trong “cơn sốt” giá đất mấy năm qua, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền xây dựng nhà cao tầng sang trọng và đắt tiền thì mới có lời. Việc mua bán nhà không diễn ra giữa chủ đầu tư và người mua để ở mà là giữa người xây với người mua đi bán lại đầu cơ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định rằng, các doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng thỏa thuận với ngân hàng thương mại vay lãi suất rất cao vì lợi nhuận gấp nhiều lần. Ngân hàng được lợi nhuận cao, sẵn sàng dốc tiền cho các “đại gia” này, hút hết tiền của xã hội vào đây, còn đâu để sản xuất kinh doanh! Những biện pháp mà các hiệp hội bất động sản “hiến kế” đã bỏ qua phân khúc thị trường cao cấp này. Chẳng hạn, chuyển đổi những khu căn hộ chung cư cao cấp sang bệnh viện, khu thương mại thì liệu ai sẽ bỏ tiền đầu tư? Đem cho thuê thì định giá bao nhiêu để người ít tiền có thể thuê được? Vấn đề được nhiều người quan tâm là giá nhà, giá đất bao nhiêu thì vừa?

Lâu nay người ta hay nói, giá cả do thị trường quyết định, song nhiều ý kiến lại cho rằng thị trường đang bị bóp méo, cung vượt quá xa cầu, tồn kho bất động sản “chôn vùi” hàng nghìn tỷ đồng. Lẽ thường, giá phải kéo xuống thấp đến khi cung cầu gặp được nhau, nhưng quy luật này vẫn không diễn ra. Một luồng ý kiến khác thì nhận xét, sở dĩ giá không thể giảm là vì chủ đầu tư đã “trót” kê giá dự án lên cao để vay tiền ngân hàng, bây giờ có giảm giá, bán được nhà cũng không thể đủ tiền trả nợ. Chủ nợ là ngân hàng càng không muốn giảm giá vì giá trị thế chấp đã lỡ xác định ở mức cao rồi. Đây chính là cái vòng luẩn quẩn rất khó tháo gỡ. Vậy thì giải cứu thị trường bất động sản, là “cứu” những khu nhà giá cao ngất ngưởng hay xây nhà ở xã hội để bán với giá phù hợp cho rất nhiều người ít tiền đang mơ ước một căn hộ? Nếu như để cứu các chủ đầu tư đang xây nhà thì ngân hàng phải cho họ vay tiếp để làm cho xong. Khi làm xong nhà thì họ sẽ bán với giá “trên trời” hay “dưới đất” cho những người dân cần nhà thực sự? Ngay cả khi Nhà nước sẽ giảm thuế, giảm tiền sử dụng… thì cũng chỉ có tác dụng giảm giá bán căn nhà theo “phần trăm”, chứ không thể giảm số “phần trăm” tiền đã bỏ ra để giúp chủ đầu tư trả được nợ.

Hoàn toàn có lý khi một số chuyên gia cho rằng, việc xây nhà xã hội là giải quyết vấn đề xã hội cho nhiều người thu nhập thấp, chứ không phải là làm để giải cứu thị trường bất động sản. Hà Nội đã có bán nhà xã hội, rút thăm, phát phiếu đủ cả, song nhà bán xong vài tháng không có ai đến ở. Người mua đâu phải người thu nhập thấp, họ mua để bán lại. Bài toán giải cứu bất động sản quả thật là nan giải.
 

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô