Không cẩn trọng, khách hàng có thể “sống dở chết dở” với số tiền nhận lại do hợp đồng bỗng dưng bị vô hiệu. Nhiều luật sư, chuyên gia địa ốc lưu ý khách hàng nên cân, đong, đo, đếm trước khi ký hợp đồng mua nhà dự án.
1. Thời gian giao căn hộ
Các hợp đồng thường ràng buộc rất kỹ nghĩa vụ thanh toán tiền của khách hàng. Ví dụ, khách hàng phải nộp tiền theo tiến độ thi công chung cư: Khi ký hợp đồng, nộp bao nhiêu; khi chủ đầu tư xây xong phần thô và khi nhận căn hộ thì nộp bao nhiêu… Thế nhưng chủ đầu tư lại không nêu thời gian bàn giao căn hộ. Nhiều hợp đồng chỉ ghi chung chung “thời gian dự kiến thi công”, “tổng thời gian thi công”...
Để dự án không bị cố ý kéo rê theo kiểu chủ đầu tư mượn vốn ứng của khách hàng để kinh doanh vào việc khác, người mua cần đề nghị chủ đầu tư làm rõ thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể.
2. Lãi chậm giao nhà
Nếu chậm đóng tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng, khách hàng có thể phải chịu phạt theo tỉ lệ % nào đó. Song nếu chủ đầu tư chậm giao căn hộ thì sao?
Theo lưu ý của nhiều chuyên gia, người mua phải đề nghị chủ đầu tư ghi vào trong hợp đồng khoản lãi phạt khi chậm giao nhà. Thời gian trả lãi được khống chế là bao lâu? Nếu quá hạn mà chủ đầu tư vẫn không giao nhà thì khách hàng có được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không và khi đó chủ đầu tư phải chịu phạt bao nhiêu phần trăm trên giá trị hợp đồng?
3. Thiết kế nội thất
Cách tính diện tích căn hộ cũng là một trong những nội dung dễ gây tranh chấp giữa hai bên. Có nhiều cách tính như tính từ tim tường, tính phủ bì, tính lọt lòng, tính cả cột, cả hộp gen... Không yêu cầu làm rõ thì khi nhận căn hộ khách hàng rất khó bắt đền nếu đo lại không đủ diện tích. Trên thực tế từng có trường hợp khách hàng “kiện” nhà nhỏ quá thì chủ đầu tư bảo diện tích thỏa thuận gồm hai phần, phần diện tích nhà và phần diện tích cho xe ô tô trong tầng hầm!
Người góp vốn mua nhà các dự án cần cân nhắc uy tín, thương hiệu, sự chuyên nghiệp của chủ đầu tư để tránh rắc rối về sau.Ảnh: HTD
|
Tranh chấp do người gọi tầng, người kêu lầu
Vì bị thu hồi đất để chính quyền làm dự án nên bà Hứa Mẫn Nhi được UBND quận Bình Tân bố trí một căn hộ tái định cư. Theo kết quả bốc thăm, bà Nhi được nhận căn hộ mã số D8.06 tại chung cư Nhất Lan 12 tầng tại phường Tân Tạo.
Biên bản bàn giao căn hộ giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh với bà Nhi ghi nhận căn hộ trên nằm tại tầng tám, lô D. Tháng 8-2011, bà Nhi được bàn giao căn hộ với vị trí được điều chỉnh lại là tầng bảy. Không đồng ý, bà Nhi khiếu nại. Theo giải thích của công ty, khi cấp số nhà quận ghi tầng một là tầng trệt, tầng hai là lầu một… Căn hộ của bà Nhi ở lầu bảy nhưng nếu tính về số tầng thì vẫn là tầng tám như trong thỏa thuận ban đầu…
Ở các chung cư mới, tầng trệt được đặt là tầng G và bố trí tiếp tân, thương mại, dịch vụ của tòa nhà. Tầng tiếp theo mới được đặt là tầng một, hai... Ông Hà Nguyễn Thái cho biết: “Tôi đang ở chung cư Nam Long tại quận 9. Căn của tôi ở tầng năm nhưng từ dưới đếm lên là lầu sáu vì tầng trệt đặt là G chứ không tính là tầng một”. Bà Phạm Thị Thủy (chung cư An Phúc - An Lộc quận 2) cũng cho hay căn hộ của bà mang số 223, tức là căn số 23 tại tầng hai nhưng thực ra là tầng ba vì tầng trệt không được gọi là tầng một.
Ở các chung cư cũ, thường tầng trệt bố trí làm căn hộ để ở (như chung cư Bình Trưng, quận 2…) cũng ít khi gọi tầng trệt là tầng một mà thường ký hiệu trước số nhà của tầng trệt là số 0. Chẳng hạn, với căn nhà số 01A thì có nghĩa là nhà này mang số 1, nằm tại tầng trệt, lô A. Căn nằm ngay tầng trên thì sẽ mang số 11A, tức số 1, tầng một, lô A.
“Sở dĩ có mâu thuẫn trong cách đặt, cách gọi về tầng là do tập quán khác nhau giữa miền Bắc và miền Nam. Miền Bắc không có khái niệm tầng trệt mà gọi ngay là tầng một và cứ thế đếm lên. Trong khi đó, ở miền Nam thì tầng trệt không tính, lên trên nữa mới gọi là lầu một, lầu hai… hoặc tầng một, tầng hai… Sử dụng cách nào và đặt như thế nào cho dự án là tùy mỗi chủ đầu tư, không có quy định bắt buộc” - ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giải thích.
Rủi ro lớn nhất: Hợp đồng bị vô hiệu
Ngoài các “bẫy” về thời hạn thi công, thời điểm giao căn hộ, mức phạt khi chậm giao, cam kết về vật liệu, thiết kế căn hộ, người góp vốn xây, mua căn hộ còn phải đối mặt với những bất trắc do giữa chừng bị chấm dứt hợp đồng hoặc hợp đồng vô hiệu.
Có những hợp đồng quy định khách hàng góp vốn theo tiến độ, nếu trễ so với tiến độ thì chịu phạt lãi suất. Như vậy là bình thường. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng có thêm điều khoản “nếu khách hàng nộp trễ quá 30, 60, 90 ngày thì chủ đầu tư được quyền chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền cho khách hàng”. Nhiều khách hàng chủ quan, cứ nghĩ nếu chậm đóng tiền thì mình chỉ phải nộp phạt, không ngờ là bị “đứt” ngang hợp đồng.
Cũng có trường hợp khách hàng muốn “đứt gánh” mà không được. Ví dụ, từng có trường hợp khách hàng góp tiền mua một căn hộ cao cấp với giá rất cao và người này rất quan tâm đến chất lượng, sự sang trọng của căn hộ. Đến khi nhận căn hộ thì người này không hài lòng, muốn trả lại căn hộ thì chủ đầu tư không chấp nhận vì không có trong hợp đồng. Tìm người khác để bán lại thì không ai mua do giá quá cao nhưng nhà lại không “xịn”.
Ngay cả khi hợp đồng có đủ các điều khoản hết sức công bằng cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng thì vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn nhất mà chủ đầu tư thường đem ra “dọa”, đó là “hợp đồng vô hiệu”. Khi đó, chủ đầu tư trả lại tiền (kèm lãi ngân hàng), khách hàng trả lại căn hộ (nay đã lên giá).
Khách hàng phải tìm hiểu thêm về dự án, về tính hợp pháp trong việc huy động vốn góp, về điều kiện huy động vốn góp… Nếu chủ đầu tư huy động sai quy định, gom tiền khi chưa xây xong phần móng… thì hợp đồng có thể bị tòa án tuyên vô hiệu. Khi đó, khách hàng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP