Năm 2020: Phủ kín quy hoạch cho tất cả các xã, phường trên toàn quốc

Cập nhật 11/09/2010 15:30

"Từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện xây dựng quy hoạch sử dụng đất đối với 100% đơn vị hành chính các cấp, nói cách khác là phủ kín quy hoạch cho tất cả các xã, phường trên địa bàn toàn quốc".

Đây là mục tiêu được đưa ra tại hội nghị khoa học “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nhằm xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào sáng nay (10/9) tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra với sự tham dự của đông đảo đại diện các bộ, ngành, các nhà khoa học và Cơ quan quản lý đất đai các nước Thụy Điển, Hà Lan, Hàn Quốc...


Hội nghị thu hút được sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, ngành, các nhà khoa học và Cơ quan quản lý đất đai quốc tế

Ngành đất đai Việt Nam cần chuyển trọng tâm hoạt động

Theo ông Phùng Văn Nghệ - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, hiện áp lực quản lý đất đai ở Việt Nam ngày càng tăng do nguồn tài nguyên đất đai đang cạn kiệt, bị suy thoái, hủy hoại dưới tác động của con người, đặc biệt dưới sự tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường; dân số tăng nhanh, nhu cầu lương thực tăng, sự phát triển công nghiệp, hạ tầng và đô thị càng làm tăng nhu cầu sử dụng đất.

Bên cạnh đó, ngành quản lý đất đai Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức là áp lực về đảm bảo quỹ đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Trước tình trạng trên, ông Nghệ cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam phải đạt trình độ quản lý ngang mặt bằng các nước phát triển trong khu vực là mục tiêu cần phải hướng tới. Ông Nghệ cũng khẳng định: “Nhiệm vụ chuyển trọng tâm hoạt động của ngành đất đai từ quản lý hành chính sang quản lý việc kinh doanh tài sản quốc gia, cung cấp dịch vụ hành chính, pháp lý cho người sử dụng đất và cộng đồng trong quản lý, sử dụng và giao dịch đất đai đang là vấn đề cấp bách hiện nay”.

Chuyển sang quản lý đất đai điện tử

Về bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống quản lý đất đai, ông Rik Wouters – Cơ quan địa chính, đăng ký đất và đo đạc Kadaster (Hà Lan) cho hay, việc quản lý hệ thống đất đai hiện đại nên có một cơ sở hạ tầng có khả năng thực thi những chính sách đất đai và những chiến lược quản lý nhằm hỗ trợ cho sự phát triển bền vững.

Trong thiên niên kỷ mới, hệ thống quản lý đất đai sẽ phải đối mặt với những thách thức mới như biến đổi khí hậu, thiếu lương thực, khan hiếm năng lượng, thảm họa thiên tai, khủng hoảng toàn cầu…Tất cả những thách thức này đều liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, trong đó những chuyên gia đất đai đóng vai trò chủ chốt.

Trước những thách thức trên, ông Rik Wouters đưa ra kinh nghiệm, Việt Nam nên quản lý đất đai bằng điện tử bởi thông tin sẽ được phổ biến hiệu quả hơn, minh bạch hơn và có nhiều phương thức thích hợp hơn để phân tích, theo dõi.

Về kế hoạch phát triển đất, theo kinh nghiệm thực tế của tiến sỹ Hee Nam Jung – Trung tâm Chính sách đất đai Viện nghiên cứu định cư Hàn Quốc, Việt Nam cần phải đưa ra kế hoạch xây dựng nhà ở, phát triển khu dân cư một cách tổng thể; lựa chọn nhà đầu tư từ chính quyền địa phương hay trung ương, các doanh nghiệp nhà nước. Và điều quan trọng là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.


Trong thiên niên kỷ mới, hệ thống quản lý đất đai sẽ phải đối mặt với những thách thức mới

Trước những đóng góp trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định, những kinh nghiệm của các nước về lĩnh vực quản lý đất đai do các chuyên gia hàng đầu trình bày tại Hội nghị sẽ được xem xét và vận dụng phù hợp để xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại ở nước ta.

Bộ trưởng cũng cho biết, hội nghị đã góp phần giúp ngành quản lý đất đai Việt Nam định hướng phát triển dựa trên 3 quan điểm chỉ đạo. Đó là phát triển ngành theo hướng hiện đại hoá trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại; kinh tế hoá lĩnh vực quản lý đất đai để nâng tầm đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội; và chính sách pháp luật đất đai phải góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo dân chủ và công bằng xã hội.

Hệ thống quản lý đất đai hiện đại sẽ cung cấp nhanh chóng các dịch vụ về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, cung cấp thông tin đất đai và giao dịch về quyền sử dụng đất phục vụ người dân và các nhà đầu tư. Nhu cầu này đang ngày càng trở nên cấp thiết tại các thành phố lớn, trong bối cảnh những giao dịch đất đai và bất động sản đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp