Khác với mọi năm, nguồn cung trên thị trường BĐS TPHCM trong năm 2018 đang có xu hướng tụt giảm rõ rệt, nhiều dự án dự kiến tung ra trong đợt cuối năm vẫn chưa có động tĩnh.
Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) vừa gửi Báo cáo tình hình thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định, lành mạnh, bền vững đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, báo cáo của HoREA nêu rõ 10 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà (trong đó, có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng.
So sánh tình hình thị trường bất động sản TPHCM 10 tháng đầu năm nay với cùng kỳ năm trước các số liệu đều thể hiện sự sụt giảm rõ nét. Cụ thể, số lượng dự án giảm 11,1%, tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%, phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 9,6%, phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5%, phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%.
Quan sát thực tế cho thấy, không chỉ 10 tháng đầu năm mà ngay tại thời điểm sát tết âm lịch - được coi là "thời điểm vàng" của thị trường bất động sản thì dù nhu cầu khá cao nhưng nguồn cung tương đối hạn chế. Nhiều thương hiệu lớn như Novaland, Đất Xanh, LDG Group, An Gia… cũng không thấy tung ra các sản phẩm mới. Nhiều dự án dự kiến tung ra trong đợt cuối năm vẫn chưa có động tĩnh.
Nguồn cung nhà ở thiếu khiến cho một số dự án có xu hướng tăng giá. Nhiều dự án công bố đầu năm chỉ khoảng 18 triệu đồng/m2 đã tăng lên 21 triệu đồng/m2. Thậm chí, có dự án giá bán giai đoạn 1 là 23,5 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 30 triệu đồng/m2. Việc khan hiếm nguồn cung dẫn đến việc tăng giá này có lợi cho người mua nhà giai đoạn trước nhưng lại là khó khăn cho người mua nhà trong giai đoạn này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn cung sụt giảm. Đầu tiên là việc từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng chỉ chấp thuận 23 dự án được phép chuyển nhượng. Bên cạnh đó, nhiều dự án không thể xây dựng vì vướng mắc thủ tục và thời gian cấp phép. Thậm chí, nhiều dự án đã xây dựng nhưng vẫn chưa được nghiệm thu để mở bán. Đây là một trong những yếu tố bất khả kháng đối với doanh nghiệp khi hoàn toàn phụ thuộc vào luật định và thời gian giải quyết hồ sơ của các cơ quan nhà nước.
"Đặc biệt, vướng mắc về việc chuyển đổi các loại hình đất ở thành đất dự án cũng gây ra không ít khó khăn khiến doanh nghiệp khó có thể triển khai dự án mới và làm giảm nguồn cung cho thị trường", ông Châu cho biết.
Đơn cử một vài trường hợp, dự án Akari của Nam Long được công bố ra thị trường từ cuối quý 3 nhưng đến nay vẫn chưa thể mở bán vì còn vướng mắc nhiều thủ tục theo quy định. Hai dự án khác nằm tại khu vực quận 8 là High Intela và West Intela của công ty Nam Sài Gòn (công ty con của LDG Group) cũng vướng mắc nhiều thủ tục về xây dựng khiến cho việc mở bán dự án bị chậm trễ phải dời ngày mở bán và ký kết hợp đồng với khách hàng.
Ông Châu chia sẻ: "Nếu không tháo gỡ được vấn đề này thì năm 2019, thị trường bất động sản sẽ đối mặt với thách thức lớn là nguồn cung dự án sụt giảm mạnh. Kéo theo nhiều hệ lụy khác mà tôi cho rằng chúng ta phải vượt qua".
Cùng quan điểm với ông châu, các chuyên gia trong ngành bất động sản cũng cho biết nhiều chủ đầu tư đang đối mặt với việc khiếu nại, phản ứng của khách hàng về việc chậm trễ mở bán. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn hàng sẽ làm phá vỡ đội ngũ nhân sự và khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng chi phí trả lương nhưng thiếu doanh thu do không đủ nguồn hàng. Ngoài khách hàng thì các doanh nghiệp môi giới cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những khó khăn này.
Trước những vấn đề này, mới đây tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản 2018 diễn ra vào ngày 7/11 vừa qua, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cùng các lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng đã lắng nghe các doanh nghiệp bất động sản nêu ra nhiều bức xúc liên quan đến hoạt động cấp phép, và triển khai các dự án.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng cam kết sẽ tập trung xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền. Những vấn đề do luật sẽ kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương, cũng như đăng ký báo cáo cho Đoàn đại biểu Quốc hội để tháo gỡ, thậm chí sẽ xin làm việc với Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ