Theo các chuyên gia, bất động sản và chứng khoán tiếp tục là hai ngành thu hút nhà đầu tư trong năm 2018 vì có những tăng trưởng tích cực.
Theo báo cáo mới nhất về tình hình quý IV-2017 của các đơn vị tư vấn bất động sản (BĐS), giá nhà đất tại Hà Nội và TP.HCM đang có những diễn biến trái chiều.
Người Hà Nội “khoái” đổ tiền vào bất động sản TP.HCM
Báo cáo của CBRE Việt Nam cho biết thị trường Hà Nội tiếp tục ghi nhận sự giảm nhẹ trong quý IV-2017 tại cả phân khúc nhà ở gắn liền với đất và chung cư. Đây là quý thứ hai liên tiếp giá BĐS tại Hà Nội sụt giảm sau khi tăng nhẹ vào quý II-2017. Kết thúc năm 2017, mức giá căn hộ trung bình trên thị trường giảm 2,4% so với năm trước. Trái ngược với Hà Nội, giá nhà đất tại thị trường BĐS TP.HCM tăng 4,8% so với quý trước. Xét cả năm 2017, giá bán trung bình tăng 4% so với năm 2016.
Báo cáo nghiên cứu toàn cảnh thị trường BĐS năm 2017 của DKRA Việt Nam cũng ghi nhận TP.HCM là nơi có biên độ tăng giá cao nhất trong cả nước. Trong vòng năm năm qua (2012-2017), giá căn hộ hạng C (bình dân) tăng 54%, hạng B (trung cấp) tăng khoảng 67%, hạng A (cao cấp) tăng khoảng 45%. Tăng mạnh nhất là loại hình đất nền, khu vực quận 9, quận 7 tăng khoảng 50%, đỉnh điểm là Thủ Đức tăng 170%.
Lý giải về hiện tượng trên, CBRE Việt Nam cho rằng có sự khác biệt rất rõ rệt về diễn biến thị trường của hai TP này. Thị trường BĐS Hà Nội chỉ tăng trên số dự án và tổng lượng giao dịch, còn thanh khoản trên từng dự án không có gì thay đổi, thậm chí còn giảm nhẹ so với thời gian trước. Số lượng dự án trên thị trường đang rất nhiều, đi cùng với đó là sự cạnh tranh rất lớn. Còn tại TP.HCM, dù tổng lượng căn hộ bán ra trong năm giảm nhưng tình hình tiêu thụ trong quý IV và cả năm 2017 khá khả quan. Lượng tiêu thụ trung bình của các dự án mới chào bán đạt 75%. Đáng nói, phân khúc trung cấp chiếm 64% tổng nguồn cung năm 2017, tăng mạnh so với các năm trước. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp (DN) BĐS tại TP.HCM đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người mua để ở.
Ngày càng có nhiều người Hà Nội tìm kiếm thông tin và đầu tư vào bất động sản tại TP.HCM. Ảnh: Q.HUY
|
Căn hộ giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn sẽ hút khách
Năm 2018, căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường BĐS; phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh hơn; phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường.
Quy mô thị trường BĐS TP.HCM vượt ra khỏi ranh giới hành chính của TP và đã có tính lan tỏa trong vùng TP.HCM, nhất là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh TP.HCM, có tính chất bổ sung cho nhau, góp phần tái phân bổ dân cư trong khu vực. Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường BĐS trong năm 2018.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)
“Cẩn thận” với thị trường bất động sản Hà Nội
Thị trường BĐS cả nước vẫn đang có sự lệch pha cung cầu, đó là nguồn cung cao cấp nhiều nhưng nhu cầu lại không tăng, trong khi phân khúc bình dân nhu cầu nhiều thì nguồn cung lại ít. Tuy nhiên, ở TP.HCM dù nguồn cung nhiều nhưng nhu cầu vẫn tăng thêm nên thị trường vẫn tích cực. Ngược lại, ở thị trường Hà Nội nguồn cung vẫn còn nhiều nhưng nhu cầu lại không tăng, có thể nói đang “mấp mé” ngưỡng bão hòa cung cầu, nhất là phân khúc căn hộ cao cấp, nên các nhà đầu tư cần cẩn thận.
Chuyên gia kinh tế NGUYỄN TRÍ HIẾU