Theo thông báo từ Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm nay, Thành phố sẽ khởi công xây dựng 6 chung cư tại các vị trí chung cư cũ đã tháo dỡ với tổng quy mô xây mới là 1.785 căn hộ, 142.365m2 sàn xây dựng.
Khi các chung cư cũ cơ bản được xử lý, bộ mặt đô thị TP.HCM sẽ sáng sủa hơn nhiều. Ảnh: Lê Toàn
|
Nhiều quyết tâm
Cuối tháng 2 vừa qua, tại cuộc họp thông báo tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết, trong 2 tháng đầu năm, TP.HCM đã phê duyệt phương án tháo dỡ chung cư số 350 đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình.
Tiếp tục hoàn chỉnh Kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020.
Tiếp theo đó, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, Sở đang tiến hành những bước cuối cùng để các doanh nghiệp tiến hành xây dựng lô D chung cư Cô Giang. Với chung cư này, ông Tuấn cho biết sẽ được xây thành khu căn hộ và trung tâm thương mại Pavilion Square do Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt làm chủ đầu tư.
Đối với chung cư 148 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Sở Xây dựng phê duyệt cho Công ty Khang Thành Phú làm chủ đầu tư, Lô A chung cư Lý Thường Kiệt được xây thành chung cư Tân Phước (quận 11) do Công ty cổ phần Bất động sản Tân Phước làm chủ đầu tư, chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) do Công ty cổ phần Đức Khải Tân Bình làm chủ đầu tư, Lô G chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) vẫn đang lựa chọn chủ đầu tư.
“Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục sẽ cải tạo, sửa chữa 10 chung cư với diện tích sàn là 116.778 m2 và 1.761 căn hộ, triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng 5 chung cư với diện tích gần 28.000 m2 sàn xây dựng và 580 hộ phải di dời, đồng thời tháo dỡ 5 chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm với tổng diện tích hơn 82.000 m2 sàn xây dựng”, ông Tuấn nói
Thông tin các dự án mà TP.HCM quyết tâm triển khai trong năm 2017 được ông Tuấn đưa ra đó là chung cư 22 Nguyễn Trãi, chung cư 17 Nguyễn Thái Học, chung cư 145 Nguyễn Trãi, chung cư 22 Lý Tự Trọng, chung cư 62 Trần Hưng Đạo (thuộc quận 1); chung cư 52 Lão Tử - 216 Phùng Hưng (quận 5); Lô T và lô X của chung cư Ngô Gia Tự (quận 10); chung cư 231/9 Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận); Lô số VIII, X, XI cư xá Thanh Đa và lô A, B, E, F cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, ngoài việc sửa chữa, Thành phố sẽ chuẩn bị di dời cư dân nhiều chung cư cũ ra khỏi nội đô để xây tại vị trí mới, đơn cử như Lô A, B chung cư Cô Giang, chung cư 128 Hai Bà Trưng (thuộc quận 1); chung cư 11 Võ Văn Tần (quận 3); chung cư 6 bis Nguyễn Tất Thành (quận 4), chung cư 119B Tân Hòa Đông (quận 6).
“TP.HCM đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ tháo dỡ, di dời, xử lý 50% trong tổng số 474 chung cư cũ trên địa bàn. Thời gian qua, việc tháo dỡ, cải tạo xây dựng mới chung cư cũ gặp nhiều vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức tái định cư cho người dân. Ngoài ra, chính sách cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ cũng chưa hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Phong nói.
Hàng trăm chung cư cũ đang gây nhếch nhác bộ mặt đô thị TP.HCM.. Ảnh: Lê Toàn
|
Còn nhiều điểm nghẽn
Tuy quyết tâm như vậy, nhưng các doanh nghiệp lại cho rằng, còn quá nhiều điểm nghẽn làm khó khăn cho doanh nghiệp muốn tham gia cải tạo, xây mới chung cư cũ.
Ông Lê Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động Sản Việt Gia Phú cho biết, công ty ông rất muốn tham gia cải tạo xây dựng mới chung cư cũ tại TP.HCM, cũng như đã gửi đơn xin tham gia chương trình này của thành phố. Tuy nhiên, không phải muốn là được.
Một chủ đầu tư xin dấu tên cho biết, những doanh nghiệp xin cải tạo, chung cư cũ phải xếp hàng đợi, bởi trước đó đã có những doanh nghiệp nhanh chân có được hợp đồng cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Nhưng những hợp đồng này chỉ là những chung cư có vị trí đẹp, thuộc diện đất vàng và đã được Thành phố thực hiện đền bù giải tỏa gần xong. Còn những chung cư cũ nằm tại vị trí không tốt, khó đền bù giải tỏa thì không doanh nghiệp nào chịu làm.
Một cái khó nữa theo vị chủ đầu tư này, khiến các chung cư cũ chưa thể cải tạo và xây dựng vì các chủ đầu tư “xí phần” chung cư cũng như đất vàng nhưng lại thiếu vốn làm, bởi vậy các chủ đầu tư này sẽ tiếp tục mất thời gian đợi có thêm nhà đầu tư góp vốn cùng họ làm nên việc tiến hành xây dựng, cải tạo chung cư cũ mới kéo dài.
Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM thì cho rằng, một khó khăn nữa cho doanh nghiệp tiến hành cải tạo chung cư cũ nữa đó là thỏa thuận giữa người dân tại chung cư cũ và chủ đầu tư. Việc thỏa thuận này không được chính quyền hỗ trợ nên rất khó cho doanh nghiệp có thể thực hiện nhanh việc cải tạo chung cư cũ.
“Việc thỏa thuận bồi thường chung cư cũ hiện nay là vấn đề khó có hướng ra, trong khi người dân chung cư luôn muốn đòi bồi thường một đổi một, nghĩa là muốn doanh nghiệp bồi thường những căn hộ ngay trong trung tâm thành phố tại chung cư mới cho họ thì họ mới dời đi cho doanh nghiệp thực hiện cải tạo, xây mới. Nếu như vậy doanh nghiệp sẽ lỗ lớn và không thể có chung cư mới đền bù cho dân theo kiểu 1 đổi 1.
Một điểm khó nữa đó là việc căn hộ tầng trệt, người dân luôn đòi giá đền bù cao hơn căn hộ tầng trên, như vậy là không hợp lý và công bằng. Nếu dân muốn đền bù vậy, doanh nghiệp có thể tiến hành thương thảo người dân bỏ tiền cho doanh nghiệp xây mới lại chung cư để họ có nhà mới ở ngay tại chung cư cũ, nhưng khi đưa ra ý kiến này khách hàng lại không chịu vì cho rằng như vậy họ thiệt. Kết quả việc đền bù giải tỏa cứ luẩn quẩn không bên nào chịu thiệt dẫn đến chung cư cũ vấn nằm đó mặc xuống cấp”, luật sư Hùng nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM thì đưa ra giải pháp cho vay vốn và tái định cư sau khi chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, các chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp lệ tại chung cư cũ được giải quyết bố trí tái định cư ở căn hộ mới có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích căn hộ cũ và không phải trả thêm chi phí nào, cụ thể là.
Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí căn hộ mới mà phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích thì phải được vay vốn tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam, vay vốn từ quỹ phát triển nhà ở thành phố theo quy định của pháp luật về tín dụng và pháp luật về tài chính để thanh toán khoản tiền chênh lệch phải nộp trước khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thuộc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội thì được vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội để mua thêm phần chênh lệch diện tích này... “Có như vậy thì người dân mới đủ tự tin để bàn giao nhà cho doanh nghiệp cải tạo, sửa chữa”, ông Châu nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản