Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2015 đã phục hồi ấn tượng với hàng loạt tín hiệu tích cực, đặc biệt trong đó phải kể đến lượng giao dịch thành công kỷ lục. Tiếp đà phục hồi, cộng thêm lực đẩy từ hàng loạt chính sách đang dần đi vào cuộc sống, các chuyên gia đánh giá thị trường BĐS sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn và dần đi vào ổn định trong năm 2016.
Từ những tín hiệu tích cực
Năm 2015, thị trường BĐS đã thiết lập kỷ lục mới về lượng giao dịch thành công. Đây chính là điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh chung của thị trường BĐS thời gian qua. Cụ thể, theo báo cáo của CBRE, đến thời điểm tháng 9, số lượng căn hộ tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh đạt gần 24.000 đơn vị, vượt xa kỷ lục năm 2014 là 17.000 đơn vị. Tại Hà Nội, số lượng căn hộ tiêu thụ đạt gần 15.000 đơn vị, bằng với đỉnh kỷ lục năm 2009. Bên cạnh đó, các giao dịch diễn ra sôi động tại tất cả các phân khúc sản phẩm, các dự án được triển khai ở nhiều khu vực, thay vì chỉ tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thống kê mới nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, số lượng giao dịch trên thị trường cả nước tính đến hết tháng 11 đạt 24.300 sản phẩm, như vậy tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường ấm lại, lượng hàng tồn kho cũng giảm mạnh. Theo số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tổng giá trị tồn kho đến thời điểm này còn khoảng 56 nghìn tỷ đồng, so với thời điểm 20-9-2015 tiếp tục giảm hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS năm 2015 phục hồi mạnh mẽ do nhiều yếu tố tác động. Trong đó, luật và quy định mới dành riêng cho thị trường BĐS được điều chỉnh mạnh mẽ với nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Luật cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam tạo một cú hích lớn cho thị trường, chính sách nới lỏng lãi suất cho vay mua nhà cũng kích thích sự quan tâm của thị trường trở lại vào BĐS. Ngoài ra, việc phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông cũng tác động tích cực đến thị trường BĐS thời gian qua.
Thị trường BĐS bước vào năm 2016 với nhiều kỳ vọng.
|
TS Phạm Sĩ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: “Nói đến thị trường BĐS hiện nay chủ yếu là ở các đô thị lớn. Tuy nhiên, thu nhập của đại đa số của người dân tại các đô thị hiện nay vẫn chỉ ở mức trung bình và thấp. Người muốn mua nhà trên 1 tỷ đồng phải có thu nhập 15-20 triệu đồng một tháng. Những người thu nhập 10 triệu một tháng chỉ có thể mua nhà dưới 1 tỷ trong khi thị trường không có nhà mức giá đó để mua. Đây là cái yếu của thị trường BĐS hiện nay và Nhà nước phải dùng chính sách để điều tiết”.