Năm 2015: Thị trường M&A BĐS sôi động với hàng loạt dự án khủng

Cập nhật 24/06/2015 10:51

Thị trường M&A địa ốc năm 2015 tiếp tục ghi nhận thêm nhiều thương vụ bất ngờ, trái ngược với nhận định của nhiều chuyên gia về sự trầm lắng của thị trường này trước đó.


Năm 2015: Thị trường M&A BĐS sôi động với hàng loạt dự án khủng

Bên cạnh những tên tuổi lớn liên tục tung sản phẩm mới ra thị trường như Vingroup, Him Lam, Đất Xanh, Hưng Thịnh Corp…thị trường còn ghi nhận nhiều đại gia mới nổi khác đang nỗ lực tái cấu trúc thị trường nhờ hoạt động M&A. Đáng chú ý là Novaland tại thị trường Tp.HCM, thông qua hoạt động M&A đến nay Novaland đã và đang phát triển hàng chục dự án bất động sản lớn nhỏ, chủ yếu là dòng sản phẩm căn hộ trung cao cấp (dao động từ 24 đến 37 triệu đồng/m2).

Năm 2014 Novaland đã bán thành công 3.000 căn hộ, hầu hết nguồn hàng này đều nằm trong danh mục những dự án mà tập đoàn này đã mua lại từ đối tác khác như Galaxy 9, Lexington Residence, Icon 56…Trong khi năm 2015 đơn vị này đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng căn hộ bán ra thị trường lên 6.000 căn, thì Vingroup cũng cho thấy là đơn vị hàng đầu về bất động sản hiện nay khi đặt mục tiêu doanh số bán nhà khoảng từ 40.000 tỷ đồng đến 60.000 tỷ đồng.

Không chỉ Novaland hay Vingroup mà nhiều đại gia tài chính, bất động sản khác cũng đang đẩy mạnh danh mục đầu tư của mình. Trong đó, “tay chơi” mới là vợ chồng ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đang nổi lên. Ông Tuấn là một doanh nhân nhạy bén trong kinh doanh, từng trúng thầu chợ Thượng Đình nên có biệt danh Tuấn "chợ", sau đó ông đã vươn lên làm ông chủ ngân hàng Maritime Bank. Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không chỉ là nữ doanh nhân giỏi điều hành tập đoàn VID Group phát triển mạnh các khu công nghiệp ở phía Bắc, mà bà còn là một đại biểu Quốc hội.

Sau Goldmalk City, VID Group tiếp tục cho thấy sức mạnh và sự bành trướng của mình qua việc sở hữu 60% công ty Hano-VID, chủ đầu tư dự án Goldsilk Complex (Hà Đông)-một tổ hợp dự án gồm 2 tòa chung cư 32 tầng và 47 căn nhà thấp tầng; Hay mới đây nhất là dự án The Gold View (346 Bến Vân Đồn) được xây dựng trên khu đất công ty May Diêm Sài Gòn mà tập đoàn này vừa công bố… Nhiều tên tuổi khác cũng đang trở thành một “thế lực mới” trong lĩnh vực bất động sản khi công bố hàng loạt dự án mới như FLC Group, Hưng Thịnh Corp,

Đầu tháng 3 năm 2015, Hongkong Land và Sumitomo & Development xin trả lại dự án 7.100 tỷ đồng tại khu đất vàng số 164 Đồng Khởi (Tp.HCM), ngay sau khi “chia tay” dự án này Hongkong land đã nhận giấy phép đầu tư liên doanh với SơnKim Land để phát triển dự án căn hộ tại P.Thảo Điền, Q.2.

Trước đó trong năm 2014 cũng đã có khá nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS thành công của các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các tập đoàn lớn đến từ Châu Á. Đơn cử như Creed Group (Nhật Bản) thâu tóm dự án của Nam Bảy Bảy, Công ty Thai Beverage Pcl (Thái Lan) mua lại hệ thống Metro Việt Nam, Tung Shing mua lại khách sạn Movempick Sài Gòn,…

Nửa đầu 2015, thị trường M&A địa ốc tiếp tục ghi nhận thêm nhiều thương vụ bất ngờ. Cuối quý 1/2015 Nam Long công bố chính thức sự tham gia của hai NĐT Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad mua lại toàn bộ dự án Flora Anh Đào với tổng chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỷ đồng; Lotte thâu tóm Diamond Plaza; Sau nhiều năm lận đận tìm đối tác dự án Nam Hội An đã “chốt” được ông chủ mới là tập đoàn Chow Tai Fook đến từ Hong Kong -một tập đoàn nổi tiếng kinh doanh đá quý, trang sức và bất động sản.

Thị trường M&A bất động sản tưởng chừng yên ắng, thì mới đây Indochina Land lại bất ngờ công bố chuyển nhượng 4 dự án trong số 12 dự án cho Gaw Capital Partners, một đơn vị quản lý quỹ trong khu vực có trụ sở tại Hong Kong.

Đó là khu phức hợp nổi tiếng tại Hà Nội Indochina Plaza Hanoi, khu nghỉ dưỡng sang trọng Hyatt Regency Danang và 02 dự án đang phát triển khác tại Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh, có thể là Montgomerie Links & Estates và Riverside Serviced Apartments. Giá trị thương vụ này không được Indochina Land tiết lộ, tuy nhiên, theo Gaw Capital Partners, các danh mục đầu tư được mua với giá 106 triệu USD.

Hay mới đây nhất, tòa nhà cao nhất Việt Nam tính đến thời điểm này Keangnam Landmark tại Hà Nội cũng có nguy cơ sẽ sang tay cho một ông chủ khác sau khi tòa án Seoul cho phép Keangnam chuyển nhượng để trả nợ. Mức giá của tòa nhà này ước tính lên tới khoảng 770 triệu USD.

Hàng loạt các thương vụ M&A của doanh nghiệp tại Tp.HCM từ năm 2014 đã diễn ra sôi động. Đơn cử, Novaland thâu tóm tới 8 dự án gồm The Sun Avenue (quận 2), Lucky Palace (quận 6), Orchard Garden, Garden Gate (quận Phú Nhuận)… với tổng giá trị chuyển nhượng ước tính 10.000 tỷ đồng.

Địa ốc Phát Đạt cũng thu mua lại khu đất vàng trị giá hơn 500 tỷ đồng tại quận 5 của Công ty Đức Khải để phát triển dòng căn hộ cao cấp với thương hiệu The EverRich. Công ty Hòa Bình mua lại 3 dự án Green Park (Bình Tân), Soho River View Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) và Ascent (quận 2) với tổng giá trị hơn 650 tỷ đồng. Hưng Thịnh Land cũng vừa thu mua lại 9 dự án như Tân Hương Tower; 8X Đầm Sen; 8X Thái An; 8X Plus; 12 View... Tổng vốn đơn vị này dùng để mua dự án khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 40% trên tổng vốn M&A và đầu tư, xây dựng của doanh nghiệp trong 12 tháng qua (hơn 5.000 tỷ đồng).

Mới đây nhất, hai công ty bất động sản đến từ Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã “bắt tay” với Công ty Nam Long mua lại toàn bộ dự án Flora Anh Đào, thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của Công ty Nguyên Phúc - chủ đầu tư của dự án Flora Anh Đào, với tổng chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỷ đồng.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Doanh & Pháp luật