Năm 2015: nhiều đổi thay cho đô thị TPHCM

Cập nhật 18/03/2015 10:57

Dự kiến trong năm 2015 TPHCM sẽ đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông đô thị, cải tạo kênh rạch, cầu vượt... Cũng trong năm nay chính quyền thành phố dự kiến khởi công hàng loạt công trình nhằm giúp sớm thay đổi diện mạo đô thị của một thành phố có trên 8 triệu dân.


Trong năm nay sẽ thực hiện dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 giúp cải thiện tình trạng ngập úng quanh khu vực này. Ảnh: TRẦN VIỆT ĐỨC

Những công trình mới sắp hoàn thành

Theo kế hoạch đặt ra, trước ngày 30-4 năm nay một trong những trục đường chính khu vực trung tâm TPHCM là đường Nguyễn Huệ sẽ trở thành phố đi bộ đầu tiên của thành phố. Dự kiến khi công trình phố đi bộ Nguyễn Huệ với chiều dài 670 mét, rộng 64 mét và tổng vốn đầu tư 428 tỉ đồng được hoàn thành, người dân thành phố sẽ được thả bộ, thưởng ngoạn những mảng xanh mới, trung tâm điều khiển ánh sáng, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, đài phun nước, nhạc nước kết hợp với âm nhạc, vỉa hè lát đá có thêm hoa và cây xanh, nhà vệ sinh công cộng.

Để đáp ứng chỗ để xe phục vụ người dân đi bộ thưởng ngoạn khu vực này, chính quyền thành phố đã quy hoạch năm khu vực đậu xe gồm bãi đậu xe Công viên 23-9, hầm đậu xe Hoa Lư, bãi đậu xe Trống Đồng, Công viên Lê Văn Tám và hầm để xe ngầm đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến Ba Son.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, trong năm 2015 sẽ hoàn thành công trình cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (là dự án thành phần số 4 thuộc dự án nâng cấp đô thị TPHCM do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn). Đây là tuyến kênh bị lấn chiếm trái phép hàng chục năm qua khiến hàng triệu người dân sinh sống tại 96 khu dân cư ven kênh ở các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 6, quận 11 phải sống chung với nguồn nước kênh bị ô nhiễm nặng nề.

Với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng và được khởi công bốn năm trước, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm sẽ được lắp đặt cống hộp dài hơn 3 ki lô mét từ đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đến cầu Hòa Bình (quận 11), gần 7,5 ki lô mét tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm và hơn 12 ki lô mét đường dọc kênh sẽ được cải tạo, làm mới, lòng kênh ô nhiễm cũng được nạo vét bùn, thu dọn rác, xây tường ngăn lũ, xây thêm hàng chục cầu bắc qua kênh, sẽ khiến bộ mặt đô thị ven tuyến kênh này thay đổi đáng kể vào cuối năm nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, cùng với sự “hồi sinh” chất lượng nước dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thời gian gần đây, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm được cải tạo, nâng cấp kỳ vọng sẽ tạo một trục các tuyến đường đô thị khang trang hơn nối liền các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 5, quận 6, quận 11. Những dòng kênh đầy rác trộn lẫn trong dòng nước đen ngòm ngày nào rồi sẽ được thay thế bằng các con đường mới rộng từ 7-13 mét tráng nhựa bên trên hệ thống cống hộp và hai bên đường là những hàng cây xanh dịu mát. Chưa kể khi nguồn nước thải từ khu dân cư dọc kênh được thu gom về hệ thống cống hộp, vào kênh không còn bị rác lấp kín mỗi khi trời mưa thì chắc chắn khả năng thoát nước dọc tuyến kênh này với tổng diện tích lưu vực gần 20 ki lô mét vuông sẽ được cải thiện.

Theo đánh giá trước đây của Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TPHCM, dự kiến giá trị nhà đất tại khu vực ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm (nơi dự án triển khai) sẽ tăng gấp 2-3 lần sau khi dự án hoàn tất do tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm qua được cải thiện.

Cũng theo Sở GTVT TPHCM, tình trạng kẹt xe khu vực giao lộ ngã 6 Gò Vấp sẽ giảm đến 80% khi công trình cầu vượt bằng thép ở ngã 6 này được hoàn thành đưa vào sử dụng vào quí 3-2015. Với hình dạng chữ Y, chiều dài gần 240 mét và rộng 6 mét của trục cầu vượt chính hướng Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm và nhánh rẽ hướng Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh dài gần 280 mét và rộng 6 mét, công trình cầu vượt ngã 6 Gò Vấp được kỳ vọng sẽ xua tan nỗi ám ảnh kẹt xe đối với người dân tương tự như hiệu quả giảm kẹt xe của các cây cầu vượt bằng thép được thành phố xây dựng và đưa vào sử dụng gần đây như cầu vượt ngã 4 Thủ Đức, Hàng Xanh, Lăng Cha Cả, giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa...

Dù ít ai để ý tới, nhưng trong năm 2015 sẽ có ba công trình quan trọng khác liên quan đến việc bổ sung nguồn nước sạch cho toàn bộ người dân thành phố sẽ hoàn thành và hoạt động gồm: Nhà máy Nước Thủ Đức 3, Nhà máy Nước Tân Hiệp 2 và Nhà máy Nước Kênh Đông 2 với tổng công suất cấp nước tăng thêm hơn 750.000 mét khối mỗi ngày.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, nguồn nước cấp hàng trăm ngàn mét khối được bổ sung trong năm nay sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng cúp nước, thiếu nước tại một số khu vực thành phố thời gian qua. Chẳng hạn, Nhà máy Nước Thủ Đức 3 khi phát nước sẽ bổ sung thêm nguồn nước sạch cho hàng triệu người dân các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận và các quận 1, 3, 9.

Khởi công nhiều công trình mới

Theo kế hoạch, ngoài những công trình đưa vào sử dụng, trong năm 2015 TPHCM cũng tiếp tục khởi công những công trình hạ tầng quan trọng như công trình nâng cấp mở rộng đường Trần Não, nạo vét tuyến rạch Bà Chiêm - Bà Chùa - Lấp Dầu, tuyến cống cấp nước D2.400 Bình Thái - Điện Biên Phủ, dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2...

Trong đó, đáng chú ý là dự án cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 có tổng vốn 450 triệu đô la Mỹ do Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường TPHCM làm chủ đầu tư đến nay đã thu xếp xong nguồn vốn vay chính từ Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu lớn của giai đoạn 2 là khôi phục, bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn, hạ lưu sông Đồng Nai và cải tạo chỉnh trang đô thị với các hạng mục như nhà máy xử lý nước thải công suất 480.000 mét khối/ngày, hệ thống cống thu gom nước thải dài 8 ki lô mét kết nối với cống đã xây dựng trong giai đoạn 1 của dự án, xây thêm hệ thống cống thu gom nước thải ở các phường Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây của quận 2 để đưa toàn bộ nước thải về nhà máy xử lý nước thải mới để xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả trở lại sông Sài Gòn.

Như vậy, kết hợp với hiệu quả của giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án dự kiến được khởi công trong năm nay và hoàn thành vào năm 2020 sẽ giúp cải thiện tình trạng ngập úng, thu gom và xử lý nước thải, thay đổi bộ mặt đô thị cho hơn 1,2 triệu dân sinh sống quanh lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên địa bàn các quận 1, 2, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Cũng trong năm 2015, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT TPHCM sẽ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Não, quận 2 với tổng vốn đầu tư gần 335 tỉ đồng. Dự án này được Sở GTVT thành phố phê duyệt kế hoạch đấu thầu vào tháng 6 năm ngoái gồm 18 gói thầu (bốn gói thầu xây lắp phần đường, hệ thống chiếu sáng, di dời lưới điện và 14 gói thầu khác còn lại của dự án). Bên cạnh đường Lương Định Của, đường Trần Não được xem là tuyến đường quan trọng tại quận 2 kết nối đại lộ Đông - Tây ra cầu Sài Gòn và xa lộ Hà Nội, là những tuyến đường huyết mạch của quận 2 và kết nối các khu dân cư mới phát triển phía Đông với trung tâm Sài Gòn.

Có thể thấy trong những năm gần đây, TPHCM đang dồn sức cho các dự án hạ tầng giao thông, môi trường, cải tạo và chỉnh trang đô thị, trong đó vốn tập trung cho giao thông luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng vốn đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách. Chẳng hạn trong giai đoạn năm năm 2011-2015, tổng vốn từ ngân sách cho đầu tư xây dựng của TPHCM khoảng 75.343 tỉ đồng thì phần dành cho đầu tư giao thông chiếm đến hơn 23.800 tỉ đồng (gần 32%).

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG