Năm 2015, Hà Nội thu hồi đất của 565 công trình, dự án

Cập nhật 05/12/2014 15:50

Sáng 5/12, với 89,36% đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang xây dựng các công trình; danh mục các công trình, dự án thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội năm 2015.

Theo ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) Thành phố được phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 15.290ha đất để thực hiện các dự án đầu tư. Từ năm 2011 đến nay, UBND TP đã quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) là 1.012 dự án, với diện tích là 3.457ha (bình quân 864,25ha/năm), đạt 23% kế hoạch.

Chuyển mục đích sử dụng 9.430ha đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang xây dụng công trình. Từ năm 2011 đến nay, Thành phố đã thực hiện chuyến mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang xây dựng công trình 2.719ha (bình quân 679,75ha/năm), đạt 29% kế hoạch.

Kết quả công tác thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư và kết quả chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ sang xây dụng công trình đạt thấp do nhu cầu về sử dụng đất trên địa bàn toàn Thành phố giảm. Nguyên nhân do khó khăn về kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư giảm sút, nhiều dự án đã được giao đất, cho thuê đất thời kỳ trước năm 2011 được giãn tiến độ đến nay mới đầu triển khai thực hiện. Bênh cạnh đó là việc triển khai các quy hoạch phân khu.

Ảnh minh họa.

Với kết quả trên, UBND TP đã xây dựng danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2015; công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2015, cụ thể: Danh mục 565 công trình, dự án thu hồi đất năm 2015, diện tích 1.375ha; kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách xây dụng cơ bản năm 2015 của HĐND TP; kinh phí bố trí đê bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách của cấp huyện do UBND cấp huyện bỏ trí; Kinh phí bố trí để bồi thường giải phóng mặt bằng dự án ngoài ngân sách do chủ đâu tư bố trí.

Danh mục 300 công trình, dự án chuyên mục đích đất trồng lúa, rừng phòng, hộ năm 2015, diện tích chuyển mục đích là 575ha, trong đó: Đất trong lúa là 296 dự án, diện tích là 571ha; đất rừng phòng hộ là: 4 dự án, diện tích là 4ha (không có rừng đặc dụng).

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, về danh mục các công trình, dự án thu hồi đất UBND TP trình là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Thành phố đã được Chính phủ phê duyệt. Cơ bản các dự án đã đảm bảo để triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH của Thành phố năm 2015.

Danh mục các công trình, dự án thu hồi đất tương đối toàn diện trên các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

Về danh mục các công trình, dự án chuyển mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Chủ yếu là các dự án với diện tích nhỏ.

Theo ông Nam, trong quá trình thực hiện, UBND Thành phố cần  theo dõi, rà soát, đánh giá tiến độ triển khai và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện theo tính cấp thiết của từng dự án. Trong trường họp cần điều chỉnh, UBND Thành phố tổng họp, trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp giữa năm 2015.

Đây là lần đầu tiên HĐND TP thực hiện thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, sau khi được HĐND Thành phố thông qua danh mục công trình, dự án, Thành phố quan tâm thực hiện  quyết liệt cải cách thủ tục hành chính để thực hiện dự án đầu tư. Đặc biệt quan tâm tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cho người dân, nhất là những vùng bị thu hồi đất. Có giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ ở các sở, ngành TP và quận, huyện, thị xã theo hướng đảm bảo phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương.

Trong quá trình tổ chức việc thu hồi đất, tiếp tục rà soát quy mô, diện tích của từng dự án để đảm bảo mục tiêu sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, tránh dự án treo. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế chính sách về đền bù, hỗ trợ cho người dân vùng bị thu hồi đất đảm bảo có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng: Trên cơ sở danh mục dự án được HĐNĐ thông qua, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách cấp Thành phố năm 2015 của HĐND TP. Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện đề nghị các quận, huyện bố trí. Các dự án vốn ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần GPMB trong năm 2015.

Sau khi được thông qua, HĐND TP giao UBND TP tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong quá trình thực hiện, UBND Thành phố theo dõi, rà soát, đánh giá tiến độ triển khai và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện theo tính cấp thiết của từng dự án. Trong trường họp cần điều chỉnh, UBND TP tổng hợp, trình HĐND TP xem xét tại kỳ họp giữa năm 2015.

Trường hợp phát sinh yêu cầu sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án quan trọng, cấp bách vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà chưa có trong danh mục được HĐND TP thông qua thì UBND TP quyết định thu hồi đất và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

Kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng: Trên cơ sở danh mục dự án được HĐNĐ thông qua, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách cấp Thành phố năm 2015 của HĐND TP. Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện đề nghị các quận, huyện bố trí. Các dự án vốn ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần GPMB trong năm 2015.

Nghị quyết về danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang xây dựng các công trình; danh mục các công trình, dự án thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội năm 2015 sẽ có hiệu lực và được áp dụng từ ngày 01/01/2015.

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT