Năm 2014 thành lập 59 đoàn thanh tra trong lĩnh vực bất động sản

Cập nhật 20/01/2014 09:01

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, năm 2014 dự kiến thành lập khoảng 59 đoàn thanh tra, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch xây dựng; công tác quản lý đầu tư xây dựng, thanh tra dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự án xây dựng nhà ở sinh viên...


* Trong năm 2013 với nhiều biến động đối với thị trường bất động sản (BĐS), chắc cũng là một năm bận rộn của cơ quan Thanh tra, thưa ông?

Có thể nói, năm 2013 là năm thành công lớn đối với hoạt động thanh tra trong lĩnh vực BĐS. Tình đến ngày 15/12/2013, Thanh tra Bộ Xây dựng thành lập 44 đoàn thanh tra chuyên ngành, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như thanh tra công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một số tỉnh như Đắk Lắk, Đồng Nai, TP. HCM, Hưng Yên…; thanh tra quản lý đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp; các dự án xây dựng khu ký túc xá cho sinh viên tại Lâm Đồng, TP. Đà Nẵng; Phú Thọ…; thành lập các đoàn kiểm tra xác minh nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhà đất tại một số địa phương…

Tuy nhiên, do thị trường BĐS gặp khó khăn, nhiều dự án xây dựng không thực hiện hoặc hoàn thành không đúng tiến độ, vi phạm hợp đồng giao kết, gây ra tình trạng khiếu kiện phức tạp, phải thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra ngoài kế hoạch.

* Vậy còn hoạt động thanh tra tại các địa phương ra sao, thưa ông?

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 40/63 thanh tra Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 15/12/2013, thanh tra các sở đã thực hiện hơn 500 đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất; kiến nghị xử lý sai phạm về kinh tế 60,4 tỷ đồng. Thanh tra một số sở đã thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành, thu được những kết quả nhất định, phát hiện nhiều sai phạm lớn như: Hà Nội, TP. HCM, Vĩnh Phúc, Hải Phòng...

Số vụ vi phạm trật tự xây dựng đô thị được phát hiện và xử phạt tập trung chủ yếu vào các hoạt động xây dựng không phép, sai phép. Trong năm 2013, thanh tra các sở đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.385 vụ vi phạm trật tự xây dựng; lập biên bản và xử phạt 1.000 vụ việc; ban hành 976 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 13,6 tỷ đồng.

* Qua 1 năm hoạt động thanh tra vừa qua, theo ông, hạn chế nào là cơ bản trong hoạt động của ngành?

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và công tác xử phạt vi phạm hành chính, việc tổ chức thanh tra theo kế hoạch về số lượng đạt được chưa nhiều, kết luận thanh tra chưa làm rõ nguyên nhân, chưa đánh giá chính xác tính chất hành vi vi phạm, việc kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong một số trường hợp còn chưa rõ ràng, cụ thể.

Ngoài kiến nghị xử lý hành chính, các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật còn thiếu; việc khắc phục hậu quả sau xử phạt còn rất hạn chế; một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác quản lý trật tự xây dựng; biên chế thanh tra nhiều sở xây dựng còn thiếu, trình độ chuyên môn còn hạn chế...

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, theo báo cáo của thanh tra các sở xây dựng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều phức tạp, một số vụ việc chưa giải quyết dứt điểm, do hệ thống pháp luật còn bất cập.

* Bước sang năm 2014, ngành thanh tra xây dựng xác định nhiệm vụ trọng tâm là gì?

Dựa trên cơ sở kết quả các đoàn khảo sát, Thanh tra Bộ Xây dựng dự kiến thành lập khoảng 59 đoàn, trong đó thanh tra chuyên ngành 38 đoàn, thanh tra hành chính 3 đoàn, 18 đoàn giải quyết khiếu nại tố cáo tại các địa phương.

Nội dung thanh tra năm 2014 tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch xây dựng; công tác quản lý đầu tư xây dựng một số bệnh viện tại Hà Nội và Thái Bình; dự án xây dựng nhà ở sinh viên tại một số tỉnh; dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng, giao thông, thuỷ lợi; thanh tra việc phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng ở một số địa phương và đơn vị trực thuộc Bộ.

* Để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trên, theo ông, cần có những giải pháp gì?

Theo tôi, trước tiên cần mở các lớp bồi dưỡng và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện, bám sát kế hoạch thanh tra, kiểm tra được phê duyệt, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra vững mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo về nhà ở, hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện quy định về tiếp công dân; kiểm tra, xác minh và trình Bộ trưởng xử lý; thành lập các đoàn kiểm tra, xác minh để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về nhà đất ở các địa phương. Thanh tra theo đơn thư tố cáo hoặc khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tính đến ngày 15/12/2013, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu xử lý về kinh tế 1.105 tỷ đồng sai phạm. Cụ thể, số tiền giảm trừ, thanh quyết toán và thu hồi về quỹ hỗ trợ sắp xếp DN: 337 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất và áp sai đơn giá thuê đất phải nộp NSNN: 516 tỷ đồng; giảm trừ do điều chỉnh phê duyệt lại dự toán, lập dự toán chưa đúng quy định: 237 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về tài khoản tạm giữ của cơ quan Thanh tra: 13 tỷ đồng.

Về xử phạt vi phạm hành chính: Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 15 quyết định xử phạt với số tiền 1,5 tỷ đồng, trong đó 8 đơn vị thực hiện quyết định xử phạt với số tiền 1,3 tỷ đồng.

Nguồn: Thanh tra Bộ Xây dựng
 


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán