Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phó Trưởng ban chỉ đạo chương trình phát triển đô thị quốc gia Nguyễn Thanh Nghị tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 diễn ra ngày 26.12 do Ban Chỉ đạo chương trình phát triển đô thị quốc gia và Bộ Xây dựng tổ chức...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cần phải quyết liệt hơn trong việc thúc đẩy tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp để phát triển hệ thống đô thị quốc gia theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra. Việc hoàn thiện thể chế là quan trọng hàng đầu để phát triển đô thị bền vững.
Tính đến hết tháng 12.2013, cả nước có khoảng 770 đô thị, với tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 33%, có nghĩa là khoảng 30 triệu người dân Việt Nam đã và đang sống tại khu vực đô thị. Điều đáng nói là số lượng đô thị nhiều nhưng thực tế hơn 50% dân số đô thị lại tập trung chủ yếu ở 16 thành phố lớn là các đô thị loại đặc biệt và loại I.
Những áp lực do quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu và các vấn đề khác cần kiểm soát và điều tiết trong quá trình phát triển đều tập trung ở các thành phố này, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM...
Để bảo đảm hệ thống đô thị Việt Nam phát triển vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt và yêu cầu bền vững lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt chính sách, đặc biệt là Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị mới được Chính phủ ban hành là một bước đổi mới, là công cụ thích hợp trong quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch.
Đồng thời, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chương trình, trong đó giao Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo.
Tuy nhiên, sau hơn một năm, kết quả thực hiện nhiệm vụ và các nhóm giải pháp của chương trình phát triển đô thị quốc gia mới chỉ là những công việc khởi đầu. “Chính vì vậy, việc triển khai chương trình đồng loạt trên diện rộng khắp cả nước trong thời gian 7 năm còn lại đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa giữa các bộ, ngành, các cơ quan trung ương, và sự nỗ lực lớn từ chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các chính quyền đô thị”, Thứ trưởng Nghị khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng, việc phát triển nhà ở đô thị, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường đô thị hiện nên là hạng mục ưu tiên thường xuyên và đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, bên cạnh việc rà soát, giám sát và đánh giá mô hình chính quyền đô thị tại các đô thị thực hiện thí điểm sao cho việc quản lý sử dụng đất đô thị được tiết kiệm, hiệu quả. Đây chính là những nhiệm vụ chính để đưa đô thị phát triển ổn định trong năm 2014.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động