Từ năm 2011 đến 2015, thành phố Hà Nội cần 163.649 tỷ đồng để đầu tư thực hiện 37 công trình trọng điểm (với 55 dự án thành phần), bình quân mỗi năm cần trên 40 nghìn tỷ đồng.
Nhưng năm 2012, do kinh tế khó khăn, TP chỉ có trên 2.000 tỷ đồng nhưng đã hoàn thành 3 công trình, 18 dự án đang triển khai... là kết quả đáng ghi nhận, như nhận định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tại buổi họp Ban chỉ đạo (BCĐ) các công trình trọng điểm sáng 22/11/2012. Tuy nhiên, cần quyết tâm cao hơn nữa, bởi năm 2013 còn nhiều khó khăn…
Kết quả khả quan
Theo Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 15/11/2012, có 36 dự án thành phần thực hiện được 2.531 tỷ đồng, bằng 110% KH giao, trong đó nguồn vốn trong nước đạt 77,3% (1.598 tỷ đồng); vốn ODA được 934 tỷ đồng, bằng 389% KH ; giá trị giải ngân đạt 2.295 tỷ đồng, bằng 99,5%KH; vốn ODA đạt 866 tỷ đồng, bằng 361% KH.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại cuộc họp. |
Có 3 công trình trọng điểm hoàn thành là, cầu vượt nút giao Láng Hạ - Thái Hà; Chùa Bộc - Thái Hà; Lê Văn Lương – đường Láng; 12 dự án triển khai đúng tiến độ, 41 dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân, các dự án chậm do khối lượng GPMB và tái định cư lớn, trong khi chế độ, chính sách đền bù vẫn còn nhiều bất cập, giá đền bù chưa sát giá thị trường, quỹ nhà tái định cư thiếu; có nơi địa phương chưa quyết liệt tập trung công tác GPMB, cơ chế chính sách còn bất cập, thủ tục thẩm định, phê duyệt các dự án phức tạp, qua nhiều cơ quan bộ, ngành; các dự án xã hội hóa (nghĩa trang) chưa có cơ chế tài chính….
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP, cho phép thẩm định và phê duyệt dự án BT trước, còn dự án đất đối ứng sẽ phê duyệt sau khi có qui hoạch chi tiết 1/2000. Đối với các dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát kỹ các nội dung, hạng mục điều chỉnh, xem xét việc cắt giảm các hạng mục chưa thực sự cần thiết…
Ưu tiên công trình dân sinh
Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao kết quả thực hiện các công trình trọng điểm, tiến độ giải ngân đạt cao, đạt mục tiêu, hiệu quả, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của TP.
“Năm 2013, tình hình kinh tế còn khó khăn, song dù khó khăn mấy, TP quyết tâm sẽ không thay đổi kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm…” - Chủ tịch khẳng định. Các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan, cần tập trung, quyết liệt hơn, năng động sáng tạo hơn trong giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo theo đúng kế hoạch của TP.
Cùng với đó, huy động tối đã các nguồn lực, chuẩn bị nguồn vốn, đảm bảo cho các dự án triển khai trong năm 2013. Trong đó, ưu tiên vốn để khởi công các dự án phục vụ dân sinh, như tuyến vành đai 1, vành đai 2, các cầu vượt nhẹ; cơ sở hỏa táng, các công trình xử lý rác thải, nước thải và xử lý ô nhiễm sông, hồ…
Chủ tịch đặc biệt lưu ý, công tác GPMB là rất quan trọng, yêu cầu các cấp các ngành, các địa phương và chủ đầu tư phải cùng nhau tăng cường phối hợp, vận dụng tối đa các cơ chế chính sách, bảo đảm có lợi cho người dân.
Điều kiện mới là Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, TP có thể chủ động phát hành trái phiếu để huy động nguồn lực. Chủ tịch giao Sở TNMT, Tài chính và QHKT xây dựng khung hệ số hỗ trợ GPMB cho từng khu vực trên toàn địa bàn TP để trình 1 lần với thường trực HĐND TP xem xét, thông qua.
Về tái định cư, tốt nhất vẫn là tái định cư tại chỗ, có thể giữ trên 20% đất dự án để phục vụ công tác này. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế và cách làm tái định cư, phát triển nhanh quỹ nhà tái định cư bằng phương thức xã hội hóa.
Tiến hành rà soát lại năng lực các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, cần thiết rút lại dự án đối với những chủ đầu tư không có năng lực chuyên môn, để giao cho các ban quản lý chuyên ngành.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị