Năm 2012, sẽ lạc quan hơn với các “gam màu sáng”

Cập nhật 16/01/2012 13:10

"Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy bức tranh bất động sản sẽ nổi lên những gam màu sáng hơn, song, giới đầu tư cần lạc quan hơn bởi xu thế đô thị hóa ngày một gấp gáp hơn, dân số thủ đô cũng tăng theo thời gian, do đó, nhu cầu về nhà ở đương nhiên vẫn rất cao” – ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn - Savills Việt Nam khẳng định khi đánh giá về thị trường bất động sản Hà Nội năm 2011 và triển vọng của thị trường này trong năm 2012.

Năm 2011 được đánh giá là năm vô cùng ảm đạm đối với giới đầu tư bất động sản. Ảnh: Hoàng Long

2011: Thị trường ảm đạm, nhà đầu tư hụt hơi...

Năm 2011 được đánh giá là năm vô cùng ảm đạm đối với giới đầu tư bất động sản. Không riêng gì Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc, giá nhà đất giảm mạnh, thị trường đóng băng trên diện rộng và giới kinh doanh bất động sản kết thúc một năm ở trạng thái hụt hẫng và thất vọng nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Theo nhận định của giới chuyên gia, sau nhiều năm liền (từ 2010 trở về trước) được đẩy giá liên tục, lên tới vài trăm phần trăm, giá bất động sản đã từng ở mức "ngất ngưởng”, hoàn toàn trái ngược và vượt xa khả năng cũng như thu nhập của người dân Việt Nam. "Những người thực sự cần nhà ở có lẽ đến hết đời cũng không thể mua được một căn nhà với giá trị thực của nó” – anh Trần Tuấn Anh, một cán bộ công chức nhà nước (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Nhìn lại thị trường bất động sản một năm qua, có thể thấy, đầu năm 2011, bất động sản vẫn được coi là "miếng mồi” béo bở nhất thu hút giới đầu tư. Thực tế là như vậy khi đầu năm 2011, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn tiếp đà của năm 2010 liên tục nâng giá. Đơn cử như các dự án tại Vân Canh, Văn Phú... hay một số dự án chung cư chuẩn bị đưa vào sử dụng tại các quận trung tâm thành phố Hà Nội như Hai Bà Trưng, Đống Đa.

Tại các khu vực xa trung tâm một chút như Sóc Sơn, Đông Anh, giá nhà đất thời điểm đó cũng "thăng theo chiều gió”. Trung bình tăng 3 -5 triệu đồng/m2. Cá biệt, có nơi như ở Đông Anh, giá đang từ 10 – 15 triệu vọt lên 20 – 25 triệu khi có thông tin cầu Nhật Tân sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2013.

Tất cả những động thái trên khiến thị trường bất động sản lúc bấy giờ giống như một cơn lốc cuốn các nhà đầu tư lao vào vòng xoáy làm giàu.

Những tưởng sẽ chẳng có gì kìm hãm được sự thăng thiên của giá bất động sản, song thật bất ngờ, khi giữa năm 2011 (cuối tháng 6 -2011), Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông tin siết chặt nguồn vốn đối với lĩnh vực phi sản xuất. Thị trường bất động sản lâm vào trạng thái "rơi tự do” kể từ thời điểm đó.

Và từ đó đến nay, người ta luôn nghe thấy những tiếng than vãn từ các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này với những cụm từ như "ảm đạm”, "bong bóng xì hơi”, "đóng băng”...

Bởi vậy, khá nhiều nhà đầu tư đã buộc phải giảm giá để cứu lỗ. Thậm chí, có những nhà đầu tư quyết định bán chung cư dưới giá gốc, chấp nhận lỗ để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng. Chỉ trong vòng 2 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7-2011, giá đất nền tại 70% các khu đô thị mới nằm ở ven nội thành Hà Nội đều giảm giá. Tính tới thời điểm cuối năm 2011, các dự án phía Tây có mức tụt giá lên đến 20-30%.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản từ thời điểm đó đã hoàn toàn chấm dứt chuỗi ngày tăng giá và lao dốc khi tính thanh khoản giảm sút, cầu giảm, nợ xấu tăng... Và dù được dự báo là thời điểm cuối năm 2011, đầu năm 2012 sẽ có những dấu hiệu khởi sắc hơn, song đến thời điểm này, nhiều nhà đầu tư vẫn đang ở tình trạng "hụt hơi” với các dự án bất động sản.

...Nhưng nhà đầu tư vẫn có thể lạc quan


Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn - Savills Việt Nam, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ có nhiều cải thiện đáng kể nói chung, và đối với Hà Nội nói riêng. Lý do là bởi, tiến trình đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, kéo theo đó là sự gia tăng dân số ở thủ đô khiến cho nhu cầu nhà ở luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Bởi vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể lạc quan, tin tưởng vào tương lai bức tranh bất động sản sẽ không còn ảm đạm. Song, ông Trung cũng nhấn mạnh, ngoài giá bán hợp lý, các nhà đầu tư cần phải chú trọng vào những yếu tố như thị hiếu của khách hàng cũng như khả năng tài chính của họ. Đây là điều kiện quan trọng để giới kinh doanh lĩnh vực này cân nhắc kỹ họ nên có cách "ứng xử” với các dự án "con đẻ” ra sao trong thời gian tới. "Nếu cần thiết, phải tính toán đến xu hướng chuyển đổi từ phân khúc nhà cao cấp xuống phân khúc thấp cấp hơn. Trong năm 2012, xu hướng nhà với giá dưới 3 tỷ đồng/ căn hộ sẽ chiếm lĩnh thị trường” – ông Trung nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết