Năm 2010, xây đường cao tốc bằng bê tông

Cập nhật 14/04/2009 09:20

Dự án đường cao tốc bằng bê tông xi măng (BTXM) đầu tiên ở Việt Nam dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2010. Tiền Phong trao đổi với ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng).

Ông Hoà cho biết, trên thế giới hiện có rất nhiều nước làm đường cao tốc bằng BTXM. Tại Áo, đường BTXM chiếm đến hai phần ba số lượng đường cao tốc của nước này, còn một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, người ta đã xây dựng hàng trăm ngàn cây số đường giao thông bằng BTXM.

Đối với nước ta, đường BTXM cũng đã được áp dụng, một số công trình như QL 3 (đoạn Thái Nguyên–Bắc Kạn), hay một số đoạn đường Hồ Chí Minh, QL 1A..., được xây dựng bằng BTXM và nay vẫn đang ở tình trạng tốt.



Ông Nguyễn Trung Hòa.

* Thưa ông, lý do vì sao đến nay chúng ta mới xây dựng đường cao tốc bằng BTXM và liệu nó có đảm bảo chất lượng?

Trước đây, chúng ta đã đề xuất việc xây dựng đường cao tốc bằng BTXM, nhưng thời điểm ấy công suất sản xuất các nhà máy xi măng chưa đáp ứng đủ nên giờ mới thực hiện. Khi đề xuất phương án này lên Chính phủ, chúng tôi đã tham khảo nhiều nước.

Về kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đường cao tốc bằng BTXM có tuổi thọ 30-40 năm, thậm chí dài hơn, trong khi tuổi thọ đường làm bằng bê tông atphan (thảm nhựa đường), chỉ khoảng chín năm. Điều đáng nói, là đường BTXM rất ổn định, thích hợp với những vùng chịu ảnh hưởng của mưa bão, ngập lụt như nước ta.

Có thể tái chế BTXM phế thải để làm nền đường. Còn việc duy tu bảo dưỡng đường BTXM cũng ít tốn kém và đơn giản vì chủ yếu là xử lý khe co giãn mà thôi.

Đối với nước ta, một ưu thế nữa khiến cho dự án này khả thi là đơn giá xi măng ổn định, nhất là trong những năm tới sản lượng xi măng sẽ rất dồi dào, đồng thời giúp hạn chế việc nhập khẩu nhựa đường với giá cao như hiện nay.

* Ngoài hiệu quả về kỹ thuật, liệu việc sử dụng đường cao tốc BTXM có giảm được chi phí so với nguyên liệu nhựa đường không, thưa ông?

Điều này còn tùy thuộc cung đường cụ thể. Ở những khu vực có nền đất yếu thì chi phí cho gia cố móng có thể tốn kém hơn. Còn ở nền đất trung bình, chi phí làm đường BTXM thông thường rẻ hơn khoảng 10 phần trăm.

So với đường làm bằng bê tông atphan, đá nhựa dù đường BTXM có chi phí xây dựng ban đầu cao hơn, nhưng chi phí duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa lại thấp hơn rất nhiều.

Cũng phải nói thêm, triển khai việc sử dụng xi măng làm đường giao thông lần này Chính phủ không chỉ tập trung vào tuyến cao tốc (trước mắt là tuyến Ninh Bình- Thanh Hóa), mà còn các tuyến đường tuần tra biên giới, đường giao thông nông thôn nhằm kích thích ngành sản xuất vật liệu xây dựng tiêu thụ sản phẩm.

* Dự án xây dựng đường cao tốc bằng BTXM đầu tiên sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Thanh Hóa là dự án đường cao tốc đầu tiên dài 121 km sử dụng vật liệu BTXM. Hiện chủ đầu tư đang lập phương án cụ thể để trình phê duyệt. Theo kế hoạch, năm 2010 bắt đầu triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc này.

Khi tiến hành thực hiện, chúng ta sẽ áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng đường cao tốc bằng BTXM, sử dụng công nghệ thi công xử lý giảm tiếng ồn đều được tính toán kỹ lưỡng.

Ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT về việc sử dụng xi măng làm đường giao thông ở một số đoạn của dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa.

Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, trình Chính phủ chương trình triển khai việc sử dụng xi măng làm đường giao thông, trước hết là đường cao tốc, đường tuần tra biên giới, đường giao thông nông thôn.

Bộ GTVT cùng Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh và ban hành các tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu đối với mặt đường BTXM để áp dụng.

Đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa xuất phát từ điểm cuối dự án Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường từ đông QL 1A sang tây QL 1A, giao với QL 1A tại Nam Cầu Vó (Km 271), giao với QL 12B (Km 2+800), giao với tỉnh lộ 512 tại khu vực Bỉm Sơn đi về phía tây khu bảo tồn rừng Sến Tam Quy, vượt sông Lèn, sông Mã ở hạ lưu, giao với QL 45 tại Trung Chính, giao với tỉnh lộ 508 tại Công Liêm, vượt hồ Yên Mỹ và kết thúc tại điểm giao nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong