Năm 2008: TP.HCM vẫn là đại công trường

Cập nhật 31/12/2007 11:00

Năm 2007, TP.HCM là một đại công trường với hàng chục dự án được triển khai. Năm 2008 TP sẽ tiếp tục là đại công trường. Điều đáng nói là việc thi công các dự án sẽ được triển khai ra sao, liệu người dân có còn phải chịu hậu quả từ những dự án làm ăn bê bối?

Theo Sở Giao thông công chính (GTCC), tình hình thực hiện các công trình trọng điểm trong năm 2007 đã được cải thiện đáng kể. Sở này cũng nhìn nhận còn không ít công trình chậm tiến độ như dự án cầu đường Nguyễn Văn Cừ, đường Lê Trọng Tấn, tỉnh lộ 15 và một số dự án thuộc khối giao thông thủy.

Những công trình “dở dang”

Trước việc nhiều công trình thi công chậm, UBND TP đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án phải cam kết hoàn thành tiến độ từng công trình. Do đó vào giữa năm 2007, nhiều dự án đã được điều chỉnh tiến độ, phần lớn là kéo thêm thời gian 1-2 năm.

Cụ thể, ở dự án cầu đường Nguyễn Văn Cừ, lẽ ra gói thầu số 1 phải hoàn thành vào cuối năm 2006 nhưng đến nay vẫn còn thi công; công trình chậm vì vướng giải tỏa, nên gói thầu sẽ được hoàn thành giữa năm 2008 và toàn bộ các gói thầu còn lại hoàn thành cuối năm 2008.

Dự án nâng cấp và mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.Tân Bình, Phú Nhuận và Q.3) lúc đầu dự kiến hoàn thành tháng 8-2008, nhưng do giải tỏa chậm và chờ thực hiện dự án vệ sinh môi trường nên phải gia hạn công trình đến cuối tháng 1-2009.

Dự án nâng cấp và mở rộng đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú - Bình Tân) dài 3.700m nhưng mới thi công được 3.000m trên địa bàn quận Tân Phú, 700m đường còn lại (gói thầu 12A ở Q.Bình Tân) dự kiến thi công và hoàn thành trong năm 2008, chậm hơn một năm so với dự án.

Riêng dự án vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), theo kế hoạch phải hoàn thành vào 31.12/2007, nhưng nhiều gói thầu thi công chậm, trong đó gói thầu số 7 có tiến độ thi công quá chậm làm ảnh hưởng đến nhiều gói thầu khác.

UBND TP đã đề nghị và Ngân hàng Thế giới chấp thuận điều chỉnh dự án đến cuối năm 2009. Như vậy, việc gia hạn dự án đồng nghĩa với kéo dài thời gian thi công từ 1-2 năm. Tương tự, dự án đại lộ đông tây - hầm Thủ Thiêm dự kiến hoàn thành quí 4-2007, nay phải gia hạn hiệp định vay vốn và kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2009.

Ngày 29-12, Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) cho biết đã hoàn thành dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm đúng cam kết với UBND TP.HCM. Cầu Thủ Thiêm sắp thông xe mà đường nối từ cầu Thủ Thiêm đến đại lộ đông tây phía Q.2 vẫn chưa xây dựng. Trong khi đó, đường Lương Định Của - con đường độc đạo nối với cầu Thủ Thiêm - chỉ rộng 6m, không bảo đảm giao thông, nên dù có hoàn thành thì cầu Thủ Thiêm vẫn bị coi là “dở dang”.

Dự án thoát nước rạch Hàng Bàng thi công kéo dài nhiều năm đến lúc hết thời hạn hiệp định vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á thì được chuyển từ Ban quản lý dự án thuộc Sở Tài nguyên - môi trường TP về Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư.
 
Do đơn vị này “quá tải” nên dự án lại được chuyển giao về Ban quản lý đại lộ đông tây và môi trường nước TP làm chủ đầu tư để ghép vào dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2. Chuyển qua chuyển lại, cuối cùng dự án này chậm vẫn hoàn chậm.

Làm gì để đảm bảo tiến độ các dự án?

Lãnh đạo Sở GTCC khẳng định năm 2008 TP.HCM tiếp tục là một đại công trường xây dựng, vì không những có nhiều dự án thuộc ngành GTCC mà còn triển khai nhiều dự án thuộc ngành điện, cấp nước. Các dự án có nhu cầu đào đường nhiều nhất là dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước, dự án cấp nước kênh Đông…

Năm 2008 sẽ xử lý ra sao với tiến độ các công trình chậm? Ông Lê Toàn - phó giám đốc Sở GTCC - cho rằng trách nhiệm chính là chủ đầu tư dự án phải “mạnh tay” với các nhà thầu thi công bê bối. Sở GTCC cũng phải giao thanh tra GTCC tăng cường xử lý đối với các công trình có tiến độ thi công chậm lại không tháo dỡ hàng rào công trình để trả lại mặt bằng cho giao thông.

Giải quyết ra sao với công trình thi công chậm tiến độ do nhà thầu bị thua lỗ vì giá vật tư tăng cao? Theo ông Huỳnh Ngọc Sĩ - phó giám đốc Sở GTCC, ở các dự án vay vốn ODA đều tính trượt giá cho nhà thầu nên dự án đại lộ đông tây, hầm Thủ Thiêm và dự án cải thiện môi trường nước đã sử dụng nguồn vốn dự phòng để bù đắp.
 
Trong khi đó, lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị TP cho biết nghị định 99 của Chính phủ cho phép tính trượt giá, nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về việc tính trượt giá đối với các công trình đã thi công nên nhiều nhà thầu làm cầm chừng để trông chờ.

Bài học nào rút ra từ những công trình chậm tiến độ? Ông Huỳnh Ngọc Sĩ cho rằng cần phải có một chính sách chung như Luật về đền bù giải tỏa, tái định cư, để các địa phương dựa vào chính sách này áp giá đền bù giải tỏa. Vừa qua do chính sách không rõ ràng nên người dân khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Có chuyên gia nhận định tiến độ dự án chậm còn do vướng các công trình công cộng (điện, cấp nước, thoát nước và bưu điện). Vì vậy, ngay từ khi lập dự án đến kế hoạch đấu thầu cần xác định trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình hạ tầng liên quan. Đồng thời, UBND TP cũng cần ban hành qui chế phối hợp giữa chủ đầu tư với các cơ quan, đơn vị quản lý công trình công cộng, trong đó có biện pháp chế tài xử phạt đối với các đơn vị không chịu di dời các công trình công cộng, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Theo Tuổi Trẻ