“Muốn thuê nhà tôi thì ra gặp bà… hàng nước”

Cập nhật 22/08/2009 14:30

Trong ngõ 175 Cầu Giấy, các chủ nhà đều lắc đầu hết phòng nhưng nhiều hàng nước vẫn còn đầy phòng cho thuê.

Chủ nhà nói hết chỗ nhưng quanh đó, nhiều “cò” nhà trọ vẫn khẳng định còn phòng. Việc bắt tay giữa chủ trọ và “cò” để thu thêm khoản phí của người thuê nhà làm hành trình đi tìm chỗ trọ trong mùa nhập học của sinh viên thêm khốn khổ.

Trong các ngõ ngách ở Hà Nội, các khu vực nhiều sinh viên đổ về thuê trọ xuất hiện một nghịch cảnh là chủ nhà lắc đầu hết phòng, nhưng “cò” nhà trọ thì vẫn có phòng cho thuê. “Cò” phần lớn là những người bán nước vỉa hè, “kết nối” với chủ nhà để “móc” thêm một khoản tiền của người đi thuê.

Thời điểm này, trong ngõ 175 Cầu Giấy (Hà Nội), khu vực tập trung nhiều khu trọ sinh viên, người thuê nhà có “lùng” tận đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của chủ nhà. Thế nhưng, phía đầu ngõ, một dãy 5, 6 hàng trà đá đều treo biển “Có phòng cho thuê” với đủ các mức giá khác nhau. Họ khẳng định, phòng cho thuê chỉ quanh khu vực này.

Khi tôi hỏi phòng trọ giá 550.000 đồng ghi trên tấm biển, bà chủ hàng nước tên Nga cho hay: “Biển cũ thôi chứ giờ lấy đâu ra giá đấy. Phòng bét nhất ở được hai người cũng phải 700 - 800.000 đồng, còn nữa toàn trên một triệu”. Hỏi thêm nhà bà có phòng trọ cho thuê, bà cười nói rằng mình chỉ tìm người thuê trọ, kiếm thêm ít tiền.

Bà Nga cho hay, để được đi xem nhà phải trả cho bà 50.000 đồng, còn thuê được phải trả thêm một khoản tiền tùy vào giá phòng, trung bình là 20% giá phòng. Số tiền này sẽ được chia cho chủ nhà trọ một ít.

Thấy người đối diện thắc mắc, bà Nga giải thích thêm: “Tôi bán trà đá ở đây, mùa nhập học tranh thủ kiếm thêm. Mình làm ăn nhỏ, chủ yếu là hàng xóm quanh nhà có phòng trọ, mình đến đăng ký nhận tìm người thuê và chia cho họ một ít. Vừa cho thuê được phòng, vừa có tiền, chủ trọ nào có dại nào mới không “bắt tay” với mình”.

Tuy nhiên, bà Nga chỉ là “cò nhỏ” làm ăn theo vụ mùa. Tại đây còn có những người ngồi bán nước nhưng sống bằng việc “cò mồi” nhà trọ. Hầu hết khu vực nhà trọ ở địa bàn này họ đã “bao trọn”, thế nên sinh viên rất khó tự tìm được phòng. Cứ mỗi lần có người tìm phòng trọ đi qua, họ lại lên tiếng nhắc nhở: “Quanh đây sạch chỗ rồi, không tìm nổi đâu. Muốn thuê thì phải qua đây”.

Thực tế, một số người gặp được chủ nhà có phòng trọ nhưng muốn thuê vẫn phải qua cò. Nguyễn Thị Lan, tân sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân kể: “Em đi tìm phòng trong đường Bùi Xương Trạch, đến đâu người cũng ta lắc đầu hết phòng. Qua một người bán hàng tạp hóa ở đầu ngõ, em phải trả 40.000 đồng để được dẫn đi xem phòng thì gặp ngay ông chủ nhà vừa nói hết phòng. Em phải trả thêm cho họ 160.000 đồng nữa”.
 

Một bà hàng nước ở đường Láng dẫn người đi xem nhà trọ.


Mạnh, quê Hưng Yên, tân sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên gặp trực tiếp chủ nhà nhưng cuối cùng vẫn phải trả tiền cho “cò”. Mạnh và một người bạn đi tìm phòng trọ ở ngõ 72 Nguyễn Trãi. Gặp bà chủ nhà, nhưng Mạnh lại được hướng dẫn: “Cháu ra gặp bà Lan, bán nước ở đầu ngõ”. “Tìm được đến tận nơi, gặp được chủ nhà nhưng em vẫn phải trả 230.000 đồng tiền cho “cò”. Phòng trọ cho thuê đã đắt, sao người ta lại còn nỡ bòn rút thêm của mình nữa”, Mạnh bức xúc.

Hoàng Văn Thiện, sinh viên năm thứ hai trường ĐH Thương mại, thuê trọ ở đường Trần Bình (Cầu Giấy) cho hay: “Chỗ em còn nhiều phòng trọ trống nhưng chủ nhà không cho thuê trực tiếp đâu. Muốn thuê thì phải “qua tay” ông bán vé số ngoài ngõ. Mỗi lần như thế người thuê nhà phải trả cho ông ta vài trăm nghìn, ông ta lại chia cho chủ nhà một ít”.

Hình thức “bắt tay” giữa chủ nhà và “cò” diễn ra ở khá nhiều nơi, vì qua đó họ lại “rút” thêm được một khoản tiền của người đi thuê. Việc tìm nhà trọ của sinh viên dịp nhập học vì thế cũng trở nên khó khăn và tốn kém hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí