Muôn nẻo “đào thoát” bất động sản tồn kho: Chỗ nhẹ nhàng, nơi đau đớn

Cập nhật 26/06/2017 09:35

Tồn kho bất động sản cả nước tháng 4/2017 giảm 624 tỷ đồng so với một tháng trước đó. Đằng sau phép thống kê đơn giản ấy của cơ quan chức năng, là những thương vụ hợp tác đầu tư, có khi nhẹ nhàng, có khi đau.

Vinhomes Thang Long, sản phẩm của Tập đoàn Vingroup sau khi mua lại một phần dự án của Sudico.

Những ông chủ mới

Dự án AZ Lâm Viên Complex số 107 - Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) do CTCP bất động sản AZ (AZ Land) vừa có lần thứ 3 thay đổi nhà thầu thi công sau hơn 7 năm kể từ ngày khởi công. Đơn vị hợp tác đầu tư và thi công dự án lần này là CTCP Xây dựng và Phát triển Hạ tầng Đô thị - BID Việt Nam.

Hai nhà thầu trước đó đã từng thi công cho AZ Land, sau đó rút khỏi Dự án, là CTCP Vinaconex 1 và Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng. Trong đó, Lạc Hồng đã từng có kế hoạch khá bài bản đưa Dự án thoát khỏi khủng hoảng, nhưng việc AZ Land còn vướng hàng loạt thủ tục pháp lý của Dự án AZ Lâm Viên Complex, đã khiến Lạc Hồng phải “bó tay”.

Điều trùng hợp là việc BID thi công Dự án AZ Lâm Viên Complex, AZ Land đã gặp lại “người quen” khi trước đó, BID cũng tham gia “giải cứu” thành công một dự án khác của  chủ đầu tư này là CT Number One tại Khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Theo ông Trần Anh Đức, Giám đốc Ban Xây dựng BID Group, với thế mạnh của một doanh nghiệp có xuất phát điểm là nhà thầu thi công, đã cùng AZ Land thực hiện Dự án CT Number One, BID có nhiều phương án thực hiện Dự án AZ Lâm Viên Complex. Sự hiện diện của BID Việt Nam tại Dự án này trong 2 tháng trở lại đây đang mang đến luồng sinh khí mới cho Dự án. Dẫu vậy, sẽ vẫn còn một “núi” khó khăn chờ đợi BID khi theo quy hoạch ban đầu, Dự án chỉ có 15 tầng và đang tiếp tục xin điều chỉnh quy mô lên 29 tầng.

Một doanh nghiệp có xuất phát điểm là đơn vị môi giới bất động sản cũng tích cực tham gia “giải cứu” các dự án bất động sản tồn kho thời gian gần đây, được nhiều người nhắc đến, là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế Kỷ (CEN Invest), thành viên của CEN Group.

Nửa đầu năm 2017, CEN Invest đã tham gia cùng chủ đầu tư phát triển nhiều dự án gồm: Hợp tác với CTCP Tập đoàn Đất Quảng tại Dự án Ngọc Dương Riverside (tỉnh Quảng Nam); Hợp tác với Công ty TNHH Hi Brand Việt Nam phát triển khu căn hộ The K Park tại Dự án Daewo Cleve (Văn Phú, Hà Đông); Hợp tác với CTCP Tập đoàn FLC phát triển 4 tòa chung cư dự án FLC Garden City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm)…

Với từng chủ đầu tư, việc phải bán đi một phần hoặc toàn bộ Dự án là điều “vạn bất đắc dĩ”. Nhưng trên bình diện chung của thị trường, việc này lại có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc “ôm” đống hàng tồn kho

Cũng nổi lên sau chiến dịch tham gia “giải cứu” hàng loạt dự án bất động sản tồn kho, nhưng câu chuyện của của CTCP Đầu tư Hải Phát lại có nhiều điểm khác với BID và CEN Invest. Đó là, Hải Phát đã không chọn cách “đồng chủ đầu tư” với những ông chủ cũ, mà thâu tóm trọn vẹn trước khi tiếp tục thi công. Với cách làm này, Hải Phát đã trở thành chủ đầu tư tại một loạt dự án như: một phần Khu đô thị Phú Lương mua lại từ CTCP Đầu tư xây dựng Trung Việt; các tòa CT1-104  và CT2-105 Khu đô thị Usilk City từ CTCP Sông Đà Thăng Long; Dự án chung cư cao tầng A7 Nam Trung Yên CTCP Đại Đông Á tại Dự án tòa nhà Đại Đông Á…

Đất tàn nở hoa

Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến cuối tháng 4/2017, tồn kho bất động sản còn khoảng 28.369 tỷ đồng, giảm so với thời điểm 20/3/2017 và nhiều tháng trước đó. Trong số này gồm cả tồn kho căn hộ chung cư, nhà thấp tầng, đất nền nhà ở, đất nền thương mại, đặc biệt là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ.

Đằng sau con số thống kê của cơ quan chức năng về giá trị tồn kho bất động sản ngày một giảm bớt tại các dự án nhà ở, khu đô thị mới, là những câu chuyện hết sức sinh động về việc các chủ đầu tư nỗ lực “giải cứu” dự án bị ngưng trệ. Trường hợp Dự án Khu đô thị Nam An Khánh do CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư có thể xem như ví dụ điển hình.

Cuối năm 2015, bằng việc bán bớt một phần dự án cho Vingroup, Sudico đã tạo sự đột phá cho Khu đô thị mới Nam An Khánh sau gần 10 năm đầu tư hạ tầng vẫn không thu hút được người mua là những người có nhu cầu ở thực. Với sự hiện diện của Vingroup tại Vinhomes Thăng Long, đến thời điểm này, sau hơn một năm đầu tư xây dựng, gần 800 căn nhà thấp tầng của Vinhomes Thăng Long đã có chủ, nhiều khách hàng đã chuyển về sinh sống, tạo nên diện mạo mới cho vùng đất một thời hoang tàn.

Bình luận về câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Công, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Danko cho rằng, với từng chủ đầu tư, việc phải bán đi một phần hoặc toàn bộ dự án là điều “vạn bất đắc dĩ”. Nhưng trên bình diện chung của thị trường, việc doanh nghiệp dũng cảm bán đi một phần, hoặc toàn bộ dự án lại có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc “ôm” đống hàng tồn kho.

“Mời các chủ đầu tư có năng lực tham gia cùng hợp tác, hay bán bớt một phần, hoặc toàn bộ dự án là sự lựa chọn cuối cùng, nhưng hợp lý, để dự án có thể tiến triển nhanh hơn”, ông Công chia sẻ.

DiaOconline.vn - Theo Đầu tư