Ngay khi biên độ tăng trưởng của thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội bị co lại, các nhà đầu tư đã hướng đến Hà Tây, nơi mà giá đền bù thì theo khung cấp tỉnh nhưng giá bán nhà, đất theo thị trường lại gần như cấp Thủ đô!
Năm 2007 , Hà Tây đã có thể “qua mặt” Hà Nội với số dự án, quy mô dự án cũng như các giao dịch “ngầm”, “nổi” trên thị trường BĐS, hiện có 115 dự án đô thị, nhà ở với diện tích 6.589 ha...
“Bão đô thị” tại Hà Đông
Tâm điểm của “cơn lốc” bất động sản nằm tại thành phố Hà Đông nơi mà ranh giới với Thủ đô Hà Nội được xác định chỉ bằng những số nhà. Dự án BĐS đầu tiên có tính chất “châm ngòi” cho thị trường BĐS Hà Tây là dự án khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc (62 ha) hiện đã cơ bản hoàn thành.
Sau khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc tại thị xã Hà Đông (nay đã lên cấp Thành phố thuộc tỉnh) nhỏ bé đã ào ạt mọc lên 43 dự án khu nhà ở, khu đô thị các loại với diện tích 1.560ha đất và quy mô dân số trên 300.000 người (tính đến thời điểm tháng 2/2008).
Nhiều dự án BĐS hoàn thành thủ tục trong thời gian ngắn và góp phần làm cho thị trường BĐS Hà Tây thêm sôi động. Chỉ tính riêng số dự án khu đô thị có quy mô trên 20 ha của thành phố Hà Đông đã có 15 dự án.
Đối diện với KĐT mới Văn Quán - Văn Phúc là khu đô thị Mỗ Lao có diện tích 62ha đang nhộn nhịp san lấp mặt bằng. Dự án này do tổ hợp các nhà đầu tư như Công ty Booyung, Công ty TSQ, Công ty Hoàng Thành thực hiện. Xuyên theo đường 70 về hướng Văn Điển là khu đô thị Xa La 20,2ha do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư.
Dọc QL 6 là dự án khu nhà ở Văn Khê 21,8ha. Gần đó, là dự án khu đô thị Văn Phú (94ha) do Công ty kinh doanh nhà Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Và không thể không nhắc đến các “siêu dự án” khu đô thị với diện tích hàng trăm ha tại Hà Đông mà ngay cả ở Hà Nội cũng có rất ít. Ví như: Dự án Khu đô thị hai bên đường mới Lê Trọng Tấn 143ha (Công ty XNK tổng hợp Hà Nội làm chủ đầu tư);
Dự án khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (101 ha); Dự án khu đô thị Dương Nội 174ha (Công ty Nam Cường làm chủ đầu tư); Dự án khu đô thị phía bắc Hà Đông (613ha)... Tại Hà Đông còn có 28 dự án nhà ở, khu đô thị có diện tích dưới 20 ha... Trong khi đó, thành phố Sơn Tây (vừa lên cấp được mấy tháng) cũng có 4 dự án phát triển đô thị với diện tích trên 100ha đất.
Huyện , huyện làm đô thị!
Hà Tây là tỉnh duy nhất của nước ta có hai thành phố trực thuộc và việc phát triển đô thị tại hai thành phố này là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, “cơn sốt” đô thị lại diễn ra ở hầu hết các huyện của Hà Tây. Trục đường Láng - Hoà Lạc, trục QL 32 chạy về phía Tây được xem là động lực để các khu đô thị mọc lên như nấm.
Ngay điểm giáp ranh với xã Tây Mỗ - Hà Nội là khu biệt thự của Công ty Nghi Tàm (xã An Khánh). Xã An Khánh ( Hoài Đức) được xem là điểm đầu của cuộc “tây tiến” dọc đường Láng - Hòa Lạc của các khu đô thị Xã An Khánh thuần nông yên tĩnh ngày nào nay đã sôi sục bởi có đến 8 dự án khu đô thị với tổng diện tích đất lên đến gần 700ha.
Cụ thể, Dự án khu đô thị Bắc An Khánh (264ha); Dự án Nam An Khánh (191ha- Cty CPĐT đô thị và KCN Sông Đà chủ đầu tư) rồi các dự án khu đô thị Nam An Khánh mở rộng giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3 (175 ha); Dự án khu biệt thự nhà vườn Orange Garden (54ha), Khu nhà ở, biệt thự Hoa Phượng (0,7ha); khu sinh thái đô thị An Khánh (0,7ha).
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Tây, trên địa bàn huyện Hoài Đức có tổng cộng 27 dự án nhà ở, khu đô thị. Các dự án chủ yếu bám quanh trục QL32 và đường Láng - Hoà Lạc. Các dự án này “ngốn” diện tích đất nông nghiệp là 1.300ha. Như vậy huyện Hoài Đức xếp thứ hai toàn tỉnh Hà Tây về số dự án và diện tích đất phát triển đô thị.
Tiếp sau Hoài Đức người ta cũng dễ dàng nhận thấy hàng loạt các dự án phát triển đô thị đang góp phần làm “nóng” thị trường nhà đất như: Khu dân cư cao cấp Tuần Châu (54ha - tổng diện tích toàn dự án gần 200ha); khu đô thị Tây Quốc Oai (60ha); khu nhà ở tại lô N1+N3 (23ha) của Công ty TNHH thương mại xây dựng và công nghệ Việt Nam.
Theo thống kê, hiện huyện Quốc Oai có 15 dự án khu đô thị với tổng diện tích lên đến 1.000ha. Đặc biệt, tại huyện này hiện cũng có nhiều siêu dự án khu đô thị đang được nghiên cứu với diện tích trên 3.000 ha.
Không chỉ có các huyện lân cận Thủ đô phát triển mạnh đô thị, nhiều huyện xa trung tâm cũng có nhiều dự án phát triển đô thị như: huyện Thạch Thất (6 dự án - 230ha); Chương Mỹ (2 dự án -58ha); Thanh Oai (2 dự án - 1090 ha)...
Có thể thấy, không chỉ bùng nổ về phát triển các điểm, cụm công nghiệp, Hà Tây cũng đang là điểm “bùng nổ” đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế tính khả thi cũng như hiệu quả của các dự án này đến đâu lại là chuyện khác.
Đặc biệt, việc phát triển các khu đô thị, các khu công nghiệp này liệu có phù hợp với quy hoạch chung vùng Thủ đô hay không, sự phát triển đó có đem lại cho Thủ đô tương lai của Việt Nam vẻ văn minh, hiện đại, cũng như nét đặc sắc văn hoá dân tộc hay không là câu chuyện rất đáng bàn.
Đặc biệt, ở thời điểm nhạy cảm này khi toàn bộ Hà Tây được đề xuất nhập về Hà Nội, chính các chủ đầu tư dự án cũng rất lo lắng về sự phù hợp quy hoạch từ tầm cấp tỉnh lên tầm Thủ đô chỉ sau một đêm!? Cần lưu ý rằng, GDP bình quân đầu người của Hà Tây hiện mới đạt 750 USD/người/năm và có đến 80% dân số là nông dân.