Chủ nhiệm bộ môn Địa chính, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, GS - TSKH Đặng Hùng Võ tỏ ra cực kỳ bức xúc khi đề cập đến việc giá bất động sản ở Việt Nam đang được xếp vào loại cao nhất thế giới, trong khi thu nhập đầu người lại rất thấp.
* Theo ông nguyên nhân nào khiến cho giá bất động sản của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới trong khi thu nhập trung bình của người Việt Nam còn rất thấp?
- Có thể kể đến 2 nguyên nhân chính đều có liên quan đến hệ thống tài chính đất đai, đó là sự thiếu thống nhất trong nội bộ hệ thống tài chính đất đai và sự thiếu đồng bộ giữa chính sách đất đai và chính sách tài chính đất đai.
Thứ nhất, đó là vẫn có sự chênh lệch giá đất giữa giá do Nhà nước quy định và giá trên thị trường trong điều kiện bình thường. Về nguyên tắc, nếu có chênh lệch thì khoảng cách chênh lệch đó có xu hướng ngày càng tăng, giá thị trường sẽ càng ngày càng vượt xa giá nhà nước. Khi Nhà nước điều chỉnh nhích giá lên 1 đồng thì lập tức giá thị trường sẽ tăng thêm 10 đồng.
Mặc dù chênh lệch này đã được khắc phục rất nhiều sau Luật Đất đai 2003, nhưng nay lại có xu thế tăng lên nhiều do "sốt đất" trên thị trường. Nghị định số 17/2006/NĐ - CP ngày 27 - 1 - 2006 và Nghị định 123/2007/NĐ - CP ngày 27 - 7 - 2007 có quy định khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, khi bồi thường về đất do Nhà nước thu hồi và khi đưa quyền sử dụng đất vào cổ phần hóa doanh nghiệp mà giá đất do UBND cấp tỉnh quy định không phù hợp với giá đất trên thị trường thì UBND tỉnh phải quyết định lại cho phù hợp.
Nói vậy nhưng trên thực tế đó vẫn chỉ là khẩu hiệu, cũng chưa thấy tỉnh nào xử lý theo quy định này. Trong chiều sâu của cuộc sống, tư tưởng đổi mới thì dễ thống nhất nhưng hành động đổi mới mà gắn với tư lợi thì luôn khó khăn. Việc còn "tồn tại khoảng cách giữa giá đất nhà nước và giá đất thị trường" đang minh chứng về ý nguyện của một số nhà quản lý, của những người có tiền muốn kéo dài cơ chế "xin - cho" về đất đai, giữ chênh lệch giá càng lâu càng tốt, độ chênh lệch càng nhiều càng tốt.
Thứ hai, chính sách thuế quá lạc hậu so với chính sách đất đai, đã làm cho công cụ quản lý đất đai bằng kinh tế bị "tê liệt", tình trạng đầu cơ, tích trữ trong thị trường bất động sản tưởng như chế ngự được sau Luật Đất đai năm 2003 nhưng lại bùng lên một cách rất "thách thức" khi nhà đầu cơ ngộ ra được rằng luật mà không có luật thuế song hành thì "đời vẫn rất vui".
Khiếm khuyết này xem ra còn tệ hơn khiếm khuyết thứ nhất. Vì rằng, cứ có bao nhiêu nhà, đất ở chỗ ngon, chỗ tốt đều được những người có tiền đem tích trữ hết thì giá thị trường bị họ đẩy lên cao là một quy luật tất yếu. Các nhà đầu cơ nắm được nguồn hàng, khống chế được thị trường thì có thể khống chế được giá đầu ra. Số người đầu cơ bất động sản đang ngày càng đông lên sau những "gặt hái bội thu" ở thị trường chứng khoán vừa qua.
* Cần phải có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
- Đến nay, ngoài việc đổi mới chính sách thuế về sử dụng đất ra không có cách gì giải quyết được. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay đang được đánh với mức rất thấp theo Pháp lệnh Thuế nhà, đất năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 1994), nơi có giá đất cao nhất cũng chỉ là 2 kg thóc/m2/năm. Người ở rộng thế nào, có bao nhiêu nhà ở, người có nhà tích trữ mà không sử dụng cũng chỉ tính số cân thóc gấp đôi diện tích tính theo mét vuông mà trả cho Nhà nước, "rất ổn" cho những nhà đầu cơ.
* Kinh nghiệm này ở các nước như thế nào, thưa ông?
- Ở các nước khác, không dễ dàng đầu cơ như thế. Như ở Hoa Kỳ, Canada, các nước Bắc Âu... giá bất động sản rất thấp, một người bình thường có thể chỉ cần bỏ ra 100.000 USD để mua được một biệt thự khá đẹp, nhưng anh không thể ở đó được lâu nếu thu nhập không ở mức chịu được tiền thuế sử dụng đất. Thuế bất động sản ở đó rất cao, cao đến mức phải tính toán rất kỹ khi mua bất động sản, nhà đầu tư không có khả năng không dám làm dự án "ma" để giữ đất chờ lên giá, người có thu nhập trung bình nên đi thuê nhà để ở. Người ta không cần bất cứ một sự can thiệp hành chính nào vào sử dụng đất.
Theo Thanh Niên