Muốn đóng tiền sử dụng đất không dễ

Cập nhật 21/04/2017 08:57

Ngày 20.4, tại buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường - TN-MT) để đánh giá ba năm thực hiện luật Đất đai 2014, các doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kêu ca rất nhiều về việc đóng tiền sử dụng đất.

Doanh nghiệp, người dân đang đau đầu vì thủ tục đóng tiền sử dụng đất

Cần có cơ chế miễn giảm

Tại buổi họp, Hiệp hội Bất động sản TP còn kiến nghị cần có cơ chế miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án nhà ở thương mại giá rẻ hoặc cho thuê giá rẻ. “Mặc dù Bộ Xây dựng đã nhiều lần bác nhưng chúng tôi kiên trì theo đuổi đề xuất này để khuyến khích động viên các DN thực hiện dự án nhà giá thấp cho người dân”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội, nói.
 

Mới đây chủ đầu tư một dự án tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM đã kêu cứu đến cơ quan chức năng về việc muốn đóng tiền sử dụng đất cũng không được do thủ tục quá nhiêu khê. Cụ thể, do sự chuyển đổi cơ quan phê duyệt thẩm định tiền sử dụng đất từ Sở Tài chính sang Sở TN-MT và đơn vị tư vấn thẩm định giá trúng thầu ban đầu bỏ giữa chừng đã khiến công ty này muốn đóng cũng không được.

Bà Đỗ Thị Loan, đại diện Công ty Kelsey VN phản ánh, tiền sử dụng đất là gánh nặng của doanh nghiệp (DN), mấy năm nay DN, người dân kiến nghị nhiều lần nhưng không sửa. “Đoàn này vào làm việc chúng tôi lại kiến nghị nữa, liệu có sửa đổi không, hay vẫn lại như trước? Có tốt hơn không hay vẫn tiếp tục vướng mắc? Cải cách thủ tục hành chính cũng chưa tốt, một nhân viên văn phòng thôi cũng có thể làm ách tắc dự án của DN mấy tháng, nếu DN không biết điều”, bà Loan cho hay.

Theo thống kê, đến nay đã có gần 100 dự án chưa thể nộp tiền sử dụng đất với số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thông tin có dự án ở khu Nam Sài Gòn, theo DN tính toán tiền sử dụng đất khoảng mười mấy tỉ đồng nhưng đơn vị thẩm định giá đưa con số 80 tỉ đồng, con số cuối cùng phải nộp là mười mấy tỉ. Tuy nhiên, để được nộp số tiền này DN phải mất rất nhiều thời gian.

Ông Châu cũng đặt vấn đề, phải chăng có tình trạng chia đôi chia ba để hưởng lợi?

Hãy xem là một sắc thuế

Theo quy định mới của luật Đất đai 2014, quy trình xác định tiền sử dụng đất phải nộp của DN phải thực hiện qua hai sở: Sở TN-MT xác định phương án giá đất và Sở Tài chính thẩm định giá đất. Muốn xác định giá đất, Sở TN-MT phải tổ chức đấu thầu và chọn đơn vị thẩm định giá có chi phí thấp nhất. Từ đó dẫn đến tình trạng DN thẩm định đưa giá thấp nhất để được chọn nhưng sau đó làm khó DN có dự án.

Do đó, theo ông Lê Hoàng Châu, vướng mắc lớn nhất vẫn là tiền sử dụng đất không minh bạch, tạo cơ chế xin - cho. Hiện nay DN xin nộp tiền sử dụng đất không phải dễ. Luật muốn có cơ chế kiểm tra chéo để không bị hành, nhưng thực tế DN còn khổ hơn. Với cơ chế 2 sở tính tiền sử dụng đất như hiện nay, phải mất từ 1 - 3 năm mới đóng xong tiền sử dụng đất là chuyện bình thường. “Quy trình xác định giá đất phải qua hai sở rất mất thời gian, DN phải đi hai ba cửa, chúng tôi kiến nghị giao một đầu mối là Sở Tài chính chủ trì toàn bộ công tác thuê đơn vị xác định giá đất, trình hội đồng thẩm định TP xem xét. Chúng tôi chỉ muốn “lụy” một cửa thôi”, ông Châu nói. Ông Châu đề nghị, lúc họp hội đồng thẩm định giá đất nên cho đơn vị tham gia để trình bày lý lẽ, căn cứ chứ để cơ quan chức năng xác định tiền sử dụng đất thì "tội DN lắm". Đồng thời bỏ tiêu chí “chào thầu giá thấp nhất” được trúng thầu mà thay bằng cơ chế đấu thầu rộng rãi và chọn đơn vị có năng lực, có phương án xác định giá tối ưu.

Cũng theo ông Châu, mới đây lãnh đạo TP có chủ trương cho DN tạm nộp tiền sử dụng đất ngay khi có thông báo của Sở TN-MT để xin phép xây dựng. Tuy nhiên, chủ trương này vẫn đang bị vướng không thể thực hiện được. Do đó kiến nghị Bộ TN-MT có văn bản thống nhất chủ trương này để các tỉnh thành thực hiện. Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho; hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho nhà nước.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Phó tổng cục trưởng Lê Văn Lịch cho hay Chính phủ giao cho Bộ TN-MT nghiên cứu cơ chế chính sách tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh giải pháp phát triển thị trường bất động sản. Phấn đấu thủ tục hành chính minh bạch, hỗ trợ cho DN cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, Tổng cục ghi nhận các ý kiến của hiệp hội. “Những kiến nghị của hiệp hội và DN sẽ được Tổng cục báo cáo, đề xuất với Bộ”, ông cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên