Mừng quê hương đổi mới

Cập nhật 08/02/2011 10:30


Kiều bào nghe thuyết minh về Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước TPHCM.
“Thành phố mình đẹp quá!” - lời nhận xét ấy vang lên rất nhiều lần trong suốt chuyến tham quan dành cho buổi “city tour” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức cho đoàn kiều bào về quê ăn tết.

Sài Gòn đang lớn

Chiếc xe đò lăn bánh ra đường Tôn Đức Thắng rồi quẹo sang đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ông Phan Thám, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đưa tay chỉ cảnh vật bên ngoài rồi giới thiệu: “Chúng ta đang đi trên một con đường hoàn toàn mới mà thời trước giải phóng chưa có: đường Nguyễn Hữu Cảnh. Mọi người còn nhớ không, nơi đây vốn là một vùng đất trũng, sình lầy, hoang vu, được TP chọn xây dựng trục đường để kết nối khu trung tâm với khu vực phía đông TP”…

Ngồi trên xe, tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, kiều bào Mỹ, Phó giám đốc, Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Nano Trung tâm nghiên cứu và triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM, hào hứng: “Đoàn mình sắp đi qua cầu Thủ Thiêm đó nghe. Cầu này buổi tối đèn sáng rực, đẹp lắm”. Tiếng của anh hướng dẫn viên - cán bộ Sở GTVT TP sôi nổi: “Quy mô cầu Thủ Thiêm dài 1.250m, gồm 5 nhịp cầu chính rộng 28m với 6 làn xe, 2 cầu dẫn, 1 hầm chui trực thông 460m, 1 đường gom 1.460m. Tổng vốn đầu tư dự án trên 1.000 tỷ đồng….”

Ông Khê về nước công tác đã được gần chục năm, chứng kiến giai đoạn đổi thay và vươn mình phát triển vượt bậc của TP. Ông tâm sự: “Về nước lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên được ngắm TP theo đúng nghĩa của một khách tham quan. Người sống trong nước lâu lâu ngắm lại TP đã thấy ngạc nhiên, huống chi người lâu ngày về thăm quê hương sẽ còn bất ngờ trước sự lớn nhanh của TP”. Nhìn những khu đất mới quy hoạch trên địa bàn quận 2, nhiều khu đang xây dựng chung cư, biệt thự san sát, ông Khê nói: “Hồi tui mới về nước, bạn bè dẫn đi coi đất ở khu này, thấy toàn đất đồng, đất ruộng, vắng vẻ, hoang sơ lắm. Vậy mà mấy năm nay, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đất chỗ này lên giá chóng mặt, nhà cửa, đường sá xây dựng khang trang…”.

Xe vòng qua khu vực cảng Cát Lái. Theo dòng hồi tưởng, cô Phạm Thị Tâm, kiều bào Thái Lan, nhớ lại: “Hồi xưa, nơi đây chỉ là một cảng sông nhỏ thôi. Bây giờ khác quá, đã có đường lớn dẫn vào, xe hàng, container ra vào nườm nượp”. Từ quận 2, xe đưa đoàn du khách qua quận 7 bằng con đường vượt cầu Phú Mỹ. Có mặt trong đoàn tham quan, ông Nguyễn Đức Thanh, kiều bào Pháp, hiện làm việc cho Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ tình nguyện làm hướng dẫn viên: Hiện đây là cây cầu dây văng cao nhất miền Nam với độ tĩnh không 45m. Riêng về phần dây văng đã được ứng dụng kỹ thuật cao cấp nhất của Pháp.

Việc cho xe lớn lưu thông qua cầu Phú Mỹ sẽ rút ngắn khoảng 10km so với đi đường từ quận 2 vòng qua cầu Sài Gòn về các cảng ở quận 4, quận 7, đồng thời rút ngắn quãng đường hơn 20km từ cụm cảng Cát Lái về các tỉnh miền Tây, giúp giảm được chi phí nhiên liệu 750 triệu đồng/ngày. Nhìn hai trụ cầu sừng sừng, vững vàng trên dòng sông nước chảy xiết, trên xe có tiếng xuýt xoa: “Sức sáng tạo của con người thật kỳ diệu. Sống ở các nước phát triển, công nghệ, kỹ thuật phát triển, nhìn ngắm những công trình hiện đại thấy đã quen, nhưng giờ về nước, thấy nước nghèo như nước mình mà có ngày cũng làm được những công trình như vầy thì tự hào quá!”.

Thôi thúc cống hiến

Băng qua vùng đất xưa kia là dừa nước, đầm lầy, các thành viên trong đoàn hết sức ngạc nhiên khi thấy nay vùng đất hoang vu đó đã trở thành đại lộ Nguyễn Văn Linh rộng lớn với 10 làn xe. Vòng về đại lộ Đông Tây, con đường được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng, nhiều người trong đoàn bồi hồi xúc động khi được đi trên vùng đất xưa là Bến Hàm Tử, Bến Chương Dương. Dãy nhà sàn xiêu vẹo, cũ nát dọc tuyến rạch Bến Nghé ngày xưa cũng đã biến mất, nhường chỗ cho đại lộ thênh thang. Đại diện lãnh đạo Ủy Ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM thông tin: TP đang có dự án cải tạo kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, tạo môi trường, cảnh quan mới dọc đại lộ Đông Tây. “Chỉ vài năm nữa thôi, khi trở lại đây, mọi người sẽ thấy đại lộ này còn đẹp hơn nhiều lắm” - ông Phan Thám nói. Điểm đến cuối cùng của chuyến tham quan là hầm Thủ Thiêm.

Được đi vào trong đốt hầm dìm sâu nhất Đông Nam Á, các đại biểu hết sức bất ngờ trước sức sáng tạo của con người và sự phát triển của TPHCM. Anh Peter Laight, chồng của chị Đinh Kim Nguyệt, kiều bào Canada, chia sẻ: “Tôi thường cùng bà xã về Việt Nam và ở lại dài ngày vì yêu thích phong cảnh và món ăn Việt Nam. Dù là một nước đang phát triển nhưng đất nước các bạn đang dần có được những công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới”.

Ông Miên Đức Thắng, kiều bào Pháp, tâm sự: “Nhiều anh em đi ngang qua Vũng Tàu, Bình Dương khen những nơi này có được nhiều con đường đẹp và thắc mắc tại sao TPHCM không làm được như vậy. Nhưng hôm nay, được tận mắt chứng kiến một số công trình trọng điểm của TP, chúng tôi mới hiểu được những cái khó đối với một TP lớn, thấy được khối lượng công việc mà TPHCM đã và đang làm, những nỗ lực của đồng bào trong nước để làm thay đổi bộ mặt của quê hương”.

“Rất nhiều người băn khoăn làm sao để thu hút anh em Việt kiều về góp sức xây dựng đất nước. Tôi cho rằng vấn đề vật chất không phải yếu tố quyết định. Chủ yếu làm sao khơi gợi được ở anh em những tình cảm với quê hương. Nhìn thấy TP đang lớn từng ngày, bản thân mỗi người đều thấy có một sự thôi thúc để làm sao có được những đóng góp có tầm vóc, có ý nghĩa để đáp lại tình cảm mà quê hương đã dành cho. Có về nước như vầy mới thấy trong nước làm được rất nhiều chuyện hay mà kiều bào không biết. Bây giờ, do thiếu thông tin nên một số Việt kiều còn gửi những thư chống phá chế độ, tôi cho rằng họ rất lạc hậu và thiển cận. Hễ mình yêu quê hương thì quê hương sẽ yêu mình thôi”, ông Nguyễn Chánh Khê chia sẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng