Người mua có thể mất trắng nhà cửa. Nếu suất tái định cư là quyền về tài sản thì dân vẫn được phép mua bán.
Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 24-5 đã phân tích về những rủi ro khi mua suất tái định cư tại TP.HCM. Hiện chưa có quy định cụ thể hướng giải quyết ra sao đối với hàng ngàn căn hộ tái định cư đã sang tay nhiều đời chủ theo cách ủy quyền đang bị treo “giấy hồng”. Sở Xây dựng TP.HCM đã dự thảo sẽ xử lý theo hai hướng: Nếu mua lần đầu và chỉ mua một căn thì được cấp “giấy hồng”, những trường hợp còn lại sẽ không được giải quyết. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác cách xử lý này.
Có tranh chấp phải kiện ra tòa
Theo Luật Nhà ở, nhà phải có “giấy hồng”, “giấy đỏ” hoặc giấy tờ hợp lệ khác mới được mua bán, chuyển nhượng. Trong trường hợp trên, cả người bán và người mua đều biết căn hộ tái định cư chưa đủ giấy tờ theo quy định nhưng chấp nhận mua bán thì họ phải gánh chịu hậu quả. Nếu có tranh chấp thì được xem như tranh chấp dân sự phải kiện ra tòa án để được giải quyết.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) đặt vấn đề suất tái định cư cũng là quyền về tài sản của người dân thì cớ sao cấm họ mua bán? Thực chất nhà tái định cư chính là nhà ở thương mại bán cho người bị thu hồi đất chứ đâu phải nhà nước cho không. Nếu không cho họ bán thì phải chỉ ra văn bản nào cấm bán. Nhà nước chưa bảo đảm quyền lợi của những người bị thu hồi đất. Nhà nước cứ xây nhà tái định cư rồi buộc người dân phải vào đó ở, không cần biết chỗ ở đó có phù hợp với cuộc sống, công việc, học hành của người dân hay không.
Chưa kể nhà nước đã giải tỏa nhà của dân nhưng nơi tái định cư thì chưa xây, người dân phải lo chỗ ở tạm, phải thay đổi công ăn việc làm, điều kiện sống... nên cần tiền để trang trải. Khi không có tiền thì họ bán suất tái định cư cũng là thường tình.
Ông Hà kiến nghị: Nếu nhà tái định cư đã xây xong nhưng chưa kịp làm “giấy hồng” thì nên cho người dân bán suất tái định cư. Nếu khu nhà tái định cư chưa xây xong phần móng thì không cho bán. Thực chất việc mua bán suất tái định cư là quan hệ dân sự. Người mua phải tự chịu trách nhiệm chứ không thể mua rồi bắt nhà nước phải theo bảo vệ. Cần thiết thì người mua cứ kiện ra tòa, sau khi có quyết định của tòa thì sẽ được sang tên “giấy hồng”.
Người ngay tình sẽ thiệt thòi
Quan điểm ngược lại cho rằng có nhiều người thật sự ngay tình và bức xúc chuyện nhà ở nên đã chấp nhận việc mua bán suất tái định cư. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không tính chuyện giải quyết hậu quả thì hàng ngàn căn nhà sẽ không được cấp “giấy hồng” cho người đang sử dụng. Nếu đưa ra tòa thì hàng ngàn người ngay tình mua suất tái định cư có khả năng mất trắng nhà cửa vì không có cơ sở để công nhận hợp đồng mua bán.
Bà Ung Thị Xuân Hương - Trưởng phòng Văn bản, Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng nếu làm đúng theo luật, để dân tự giải quyết việc mua bán bất hợp pháp thì rất đơn giản cho nhà nước. Còn làm sao để quản lý được thì mới khó. Vấn đề là làm sao phân biệt được người mua bán ngay tình, có nhu cầu ở thực sự và người đầu cơ, mua đi bán lại nhằm hưởng lợi. Hiện chưa có cơ sở để khẳng định suất tái định cư có phải là quyền tài sản hay không để cấm người dân mua bán.
Ông Lê Văn Ngàn - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 11 nói: “Nhiều khi chúng tôi biết mười mươi là người dân mua bán với nhau nhưng không có cơ sở để từ chối việc ủy quyền của họ. Công ty chúng tôi đã giải thích rất nhiều về pháp lý cho người mua với danh nghĩa ủy quyền nhưng họ vẫn không nghe”.
Xóa cơ chế nhà tái định cư?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, để giải quyết vấn đề trên, nhà nước cần phải thị trường hóa hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng. Về nguyên tắc, việc cấp nhà tái định cư thực chất là buộc người dân mua lại nhà (có ưu đãi) bằng tiền bồi thường đất mà nhà nước đã chi trả do mức bồi thường đất không theo giá thị trường. Chính vì sự ưu đãi này nên mới có chuyện hạn chế quyền lợi của người mua nhà.
Ông Hà đề nghị xóa bỏ cơ chế gọi là nhà tái định cư, để cho người dân nhận tiền bồi thường theo giá thị trường đúng nghĩa và tự lo chỗ ở. Nếu họ có nhu cầu mua căn hộ thì nhà nước sẽ giới thiệu đến các dự án để họ mua theo giá thị trường. Như thế khi cần tiền họ sẽ tự do sang tên hợp đồng cho người khác, đơn giản hơn nhiều. Còn hiện tượng mua bán suất tái định cư, nhà nước chỉ nên ghi nhận đó là một thực tế để có hướng giải quyết ở tầm vĩ mô chứ không thể chạy theo giải quyết cho một nhóm người làm sai được.
Theo ông Ngàn, những người còn sống trong chung cư tái định cư hiện tại đa phần là công chức, người có thu nhập không cao. Những người này thực sự không còn sự lựa chọn nào khác để có một nơi ở ổn định. Thực tế có việc đầu cơ mua đi bán lại suất tái định cư cho thấy thị trường nhà giá rẻ đang rất khan hiếm. Nhà nước nên tìm cách tăng nguồn cung nhà giá rẻ cho thị trường. Khi nào công nhân, công chức và người có thu nhập trung bình có nguồn nhà khác để mua thì họ sẽ không săn lùng sang tay suất tái định cư nữa.