'Mua nhà trên giấy': Tiến thoái lưỡng nan

Cập nhật 03/02/2012 15:50

Thị trường ngày càng khó khăn, càng lộ rõ năng lực, uy tín của chủ đầu tư. Nhiều người mua nhà đã nộp tiền nhiều năm mà nhà vẫn chưa thấy đâu.

Nhiều người mua nhà ngậm đắng nuốt cay kéo cày trả nợ. Thậm chí ngay cả khi xin rút lại tiền gốc đã trót nộp vào thì chủ đầu tư chỉ lắc đầu khất nợ...

Trên 30 khách hàng tập trung phản đối chủ đầu tư dự án CT1 Vân Canh. Ảnh: Tuấn Việt.

Khổ vì tiến độ rùa


Nộp tiền mua căn hộ dưới hình thức hợp đồng vay vốn từ đầu năm 2010 nhưng gia đình anh Trần Tuấn Việt vẫn không biết khi nào mới nhìn thấy căn nhà của mình vì nơi xây dựng dự án CT1 Vân Canh (Hoài Đức) đến nay vẫn mới đang trong giai đoạn khoan cọc thử nghiệm! Mặc dù giá gốc ghi trong hợp đồng là 11 đến 12 triệu đồng/m2 căn hộ nhưng thực chất gia đình anh Việt và hàng trăm khách hàng của dự án đã phải trả tiền chênh từ 2 đến 4 triệu đồng/m2 mà không có hóa đơn gì.

“Trung bình mỗi căn hộ khách hàng phải trả thêm từ hai trăm đến bốn trăm triệu đồng tiền chênh”- một khách hàng bức xúc.

Quá bất bình với kiểu làm ăn tiền hậu bất nhất của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần bất động sản AZ, trụ sở tại 58 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều khách hàng đã tập trung trước cửa công ty này để phản đối chủ đầu tư và gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. “Tiền đã thu của khách hàng nhưng dự án đắp chiếu. Khi khách hàng yêu cầu trả lại tiền thì chủ đầu tư lại nói ...hết tiền!”- anh Việt phản ánh.

Tưởng nhà giá rẻ, gia đình chị Hà trú tại 23 Bà Triệu đã nộp tiền mua căn hộ thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Thương mại Hạ Long với hình thức hợp đồng vay vốn của dự án chung cư Megastar Dominium Vĩnh Hưng (tại 409 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Nộp tiền từ tháng 10-2009 nhưng đến nay dự án mới đang trong giai đoạn làm móng! Ngoài hàng trăm triệu đồng tiền gốc, chị Hà đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền chênh, tiền môi giới. “Tiền vay ngân hàng nộp cho chủ đầu tư nhưng sau cả năm dự án vẫn đắp chiếu”- chị Hà cho hay.

Ngoài hai dự án nêu trên, nhiều người mua nhà của dự án chung cư cao tầng Hesco - Megastar nằm ngay tại cổng vào khu đô thị Văn Quán - Hà Đông cũng như đang ngồi trên đống lửa khi cả năm qua dự án vẫn chỉ là khu đất trống với tường rào quây tôn treo mấy tấm pano phối cảnh, nội thất của dự án. Một khách hàng của dự án này phản ánh đã rao bán nhiều tháng nay nhưng vì dự án chậm triển khai nên rất khó bán.

“Đúng là tiến thoái lưỡng nan khi đã trót nộp cho chủ đầu tư ba mươi phần trăm tổng giá trị căn hộ, trên 456 triệu đồng. Giá ban đầu chủ đầu tư đưa ra chưa đến 20 triệu đồng/m2 có vẻ rẻ nhưng nay đã trở nên quá đắt”- một khách hàng than thở.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, ngoài những dự án nêu trên, hàng chục dự án bất động sản khác tại Hà Nội đã thu tiền của khách hàng nhưng tiến độ quá ì ạch. Điển hình như dự án khu chung cư AZ Sky Định Công; dự án đầu tư xây dựng, mở rộng khu nhà ở Cầu Diễn do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Phát triển Đô thị Hà Nội - Hacid làm chủ đầu tư; dự án khu căn hộ tại 425 An Dương Vương - Tây Hồ; dự án khu căn hộ tại 603 Lạc Long Quân; dự án khu căn hộ Water Mark nằm trên đường Lạc Long Quân - quận Cầu Giấy; nhiều dự án cạnh đường Lê Văn Lương kéo dài, khu vực phía Tây Hà Nội .v.v.

Dự án tại 409 Lĩnh Nam sau 2 năm thu tiền của khách hàng vẫn đang làm móng! Ảnh: Lê Minh.

Cẩn trọng với bẫy...nhà trên giấy!

Nắm được tâm lý khách hàng, không ít chủ đầu tư đã đục nước béo cò ồ ạt huy động vốn qua nhiều hình thức khác nhau với giá bán căn hộ thoạt nghe có vẻ hấp dẫn. Giá gốc tung ra có vẻ thấp nhưng người mua đều phải trả tiền chênh khá cao và khoản này thường không có hoá đơn hay chứng từ gì. Và đây là chiêu thức làm ăn nhằm qua mặt các cơ quan pháp luật khá phổ biến mấy năm gần đây tại Hà Nội.

Lấy dự án tại 409 Lĩnh Nam làm ví dụ. Vào thời điểm tháng 10-2009, vừa cho mấy chiếc xe ủi chạy đi chạy lại trên khu đất dự án, treo pano phối cảnh hoành tráng làm tin, chủ đầu tư vừa ồ ạt huy động vốn từ người mua nhà. Nhưng sau khi bán hết, chủ đầu tư lại án binh bất động, đẩy hàng trăm khách hàng vào cảnh dài cổ ngóng chờ.

“Những dự án có tiến độ thi công tốt nếu không dùng, người mua nhà có thể chuyển nhượng lại dễ hơn. Những dự án có vấn đề như tranh chấp, triển khai chậm, chúng tôi không tư vấn cho khách”- chị Mai, Trưởng phòng Tư vấn của một công ty bất động sản tại 101 Láng Hạ khẳng định.

Chủ một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội thừa nhận, đã phải liều huy động vốn cho nhiều dự án theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, lấy tiền chạy dự án, lo thủ tục, xin cấp phép, thậm chí đáo nợ ngân hàng...nên liên tục thất hứa với khách hàng. Có không ít dự án qua tay nhiều chủ đầu tư, sau nhiều năm bán hết qua hình thức huy động vốn vẫn chưa xong thủ tục đã tiếp tục đẩy khách hàng vào tình trạng đỏ mắt ngồi chờ hoặc chấp nhận đâm lao thì phải theo lao, phó mặc số phận cho lòng tốt của chủ đầu tư!

Một vị lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản VN nhận xét, khi thị trường ngày càng khó khăn thì mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng phát sinh. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 3 năm trở lại đây, số vụ tranh chấp về bất động sản tăng vọt, tập trung chủ yếu vào thực hiện các cam kết về tiến độ, chất lượng, thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cảnh báo, mặc dù Luật Kinh doanh bất động sản đã ra đời, Nghị định 71 đã quy định khá rõ điều kiện bán hàng, huy động vốn. Tuy nhiên nhiều dự án trước đây vẫn lách luật huy động vốn tràn lan. Để tránh rơi vào bẫy nhà trên giấy, người mua nhà cần tìm hiểu thông tin rất kỹ trước khi quyết định. Chỉ nên mua những dự án đã được cấp phép, những chủ đầu tư uy tín, tiến độ tốt.

Trao đổi với Tiền Phong, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận xét, trong một số thời điểm trước đây tình trạng mua nhà trên giấy mặc dù phần nào đã tăng kênh huy động vốn nhưng ngày càng bộc lộ nhiều bất hợp lý, nhiều trường hợp gây rủi ro, bất lợi cho người mua nhà.

Huy động vốn trái phép sẽ bị xử lý

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã xảy ra nhiều tranh chấp với các giao dịch không tuân theo Nghị định 71, huy động vốn qua hợp đồng góp vốn, vay vốn. Trong trường hợp đó, khách hàng có quyền khởi kiện chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng, nhiều người khi ký hợp đồng góp vốn thường không nghiên cứu kỹ các nội dung dẫn tới bất lợi, sơ hở về pháp lý.

Hiện nay tất cả các trường hợp huy động vốn đều phải tuân theo Nghị định 71, nhà chung cư phải xây xong móng, chỉ 20% không phải qua sàn nhưng vẫn phải gửi danh sách người góp vốn về Sở Xây dựng. Nếu huy động vốn trái phép sẽ bị xử lý.



DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong