Để đủ tiền mua nhà, anh Minh đi một vòng mấy ngân hàng rút 3 sổ tiết kiệm, bán vàng và ngoại tệ hết cả buổi sáng. Trong khi đó, người bán nhà cho anh lại gửi số này vào ngân hàng sau khi nhận vì chưa định đầu tư gì.
>>Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe: Món lợi cho ngân hàng?
>>Cấm dùng tiền mặt mua nhà, xe...?
Rút tiền ngân hàng, chủ động quy đổi các tài sản tương đương tiền ra tiền mặt trước khi thanh toán là cách làm của anh Minh (phố Trung Liệt, Hà Nội) và rất nhiều người dân khác khi mua ôtô, nhà cửa hiện nay. Theo anh Minh, nếu mua nhà tại các sàn giao dịch thì chuyển khoản cũng yên tâm còn mua nhà trực tiếp thì cả người mua lẫn người bán đều thích dùng tiền mặt. "Hai bên chưa đủ tin tưởng nhau nên nếu chuyển khoản có thể phát sinh rủi ro. Nếu qua ngân hàng thì các giấy tờ rất phức tạp và mất thời gian", anh Minh lý giải.
Đại diện một cửa hàng bán xe máy trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) cho biết hiếm hoi mới có khách hàng chịu chuyển khoản. "Gần như khách nào đến mua xe máy cũng thanh toán bằng tiền mặt. Cả cửa hàng lẫn khách hàng đều thích nhận tiền mặt cho nhanh", vị này nói.
Theo giải thích của cửa hàng này, số tiền khoảng vài chục triệu đồng, người dân có thể có sẵn trong nhà mà không cần phải rút từ ngân hàng. Hơn nữa, khách đi chọn xe thấy ưng là mua luôn, không cần phải chờ xác nhận từ ngân hàng nếu thanh toán chuyển khoản.
Một quản lý tại showroom ôtô trên phố Láng Hạ - cho hay, ngay cả các giao dịch mua bán với giá trị hàng trăm triệu đồng thậm chí hàng tỷ đồng, khách hàng vẫn thích thanh toán bằng tiền mặt.
Diệu Linh, một nhân viên thu ngân tại showroom ôtô trên phố Lê Văn Lương rất sợ cuối tuần hoặc những dịp xe sang bạc tỷ... bán chạy. Cửa hàng của Linh đã hỗ trợ và khuyến khích khách chuyển khoản khi thanh toán nhưng phần lớn vẫn trả bằng tiền mặt nên nhóm kế toán phải kiểm đếm mỏi rã tay. "Muốn nhận chuyển khoản cho đỡ mất công thì khách lại nói ngại vì các phiền hà từ giấy tờ đối với ngân hàng cũng như thời gian chuyển khoản", Diệu Linh kể.
Phần lớn vẫn ngại thanh toán qua ngân hàng khi mua nhà, ôtô, xe máy... Ảnh: Hoàng Hà.
|
Anh Vũ Quang - nhân viên kinh doanh tại Công ty ôtô Trường Hải thông tin, thường khách hàng là doanh nghiệp thì gần như chắc chắn họ sẽ chuyển khoản bởi chỉ có hình thức này mới được hoàn thuế và được tính vào chi phí cho doanh nghiệp. "Tuy nhiên, còn lại khách hàng cá nhân thì gần như hầu hết đều dùng tiền mặt, đặc biệt là những người chuyên làm ăn buôn bán", anh Quang cho biết.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt vừa được đưa ra để lấy ý kiến doanh nghiệp. Theo đó, dự kiến sẽ cấm người dân trả tiền nhà, ôtô... bằng tiền mặt. Nếu được thông qua quy định này sẽ vấp phải nhiều khó khăn bởi phần lớn người dân vẫn thanh toán bằng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam mặc dù đã giảm dần qua các năm nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới. Theo một đại diện của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7/2012, tỷ lệ này giảm còn 11,14%. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai, tỷ lệ này ở một số nước chỉ dưới 7%.
Hiện cả nước có hơn 51 triệu thẻ ngân hàng, số máy ATM là hơn 14.000 chiếc, chưa kể 94.000 thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ. Tuy nhiên, hàng chục triệu tài khoản ngân hàng này chủ yếu vẫn chỉ dùng để rút tiền mặt thay vì chi tiêu qua ngân hàng.
Báo cáo gần đây của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho hay, 84% doanh số giao dịch là rút tiền. Tổng doanh số giao dịch của các thẻ ghi nợ nội địa trong nửa đầu năm 2012 đạt hơn 390.000 tỷ đồng nhưng doanh số rút tiền chiếm tới 84%. Chỉ hơn 15% số tiền được chuyển khoản và vỏn vẹn 0,3% giao dịch phát sinh tại các điểm chấp nhận thanh toán.
Kết quả của Nghiên cứu về Thị trường Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam 2012 thực hiện mới đây cũng cho biết, gần 99% các doanh nghiệp vẫn sử dụng thanh toán bằng tiền mặt thay vì dùng thanh toán điện tử để giảm thiểu chi phí.
Theo phản ánh của các sàn bất động sản, showroom ôtô, cửa hàng kinh doanh xe máy..., phần lớn giao dịch mua nhà, xe cộ đến nay vẫn được tiến hành bằng tiền mặt. Nếu có, những giao dịch chuyển khoản thường là mua nhà qua sàn địa ốc hoặc mua xe trả góp - bắt buộc phải qua ngân hàng xác nhận.
Theo quy định, toàn bộ giao dịch mua bán xe đều phải trả bằng tiền Việt Nam đồng nhưng nguồn tiền tích lũy của người dân lại rất đa dạng, có thể là cả tiền mặt, vàng lẫn ngoại tệ hay bất động sản, chứng khoán... Do vậy, theo một nhân viên kinh doanh ôtô có thâm niên tên Dương tại Hà Nội, đây cũng là một đặc điểm khiến người dân thích dùng tiền mặt. "Trước khi đi mua, họ thường quy đổi các loại tài sản này ra tiền mặt trước vì họ e ngại việc tính phí không hợp lý hoặc phiền hà khi quy đổi và chuyển. Chưa kể có người ngay đến tiền mặt cũng gửi nhiều sổ tiết kiệm ở nhiều ngân hàng khác nhau nên họ thích đi rút một thể rồi mới đi mua", Dương phân tích.
Một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cấm người dân thanh toán bằng tiền mặt khi mua nhà, xe, chứng khoán và một số giao dịch có giá trị lớn khác nếu thực hiện sẽ có lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, vị này tin rằng, đây sẽ là một biện pháp rất cần thiết trong mọi nền kinh tế "sạch".
Trước thói quen tiêu tiền mặt của người dân, nhiều chuyên gia cho rằng nên đẩy nhanh "lộ trình" để đưa tỷ lệ thanh toán tiền mặt xuống thấp hơn. Ông Nguyễn Đại Lai cho rằng: "Tiền nên ngày càng được điện tử hóa để hợp với xu thế. Ngoài ra nó còn mang lại nhiều tiện ích như giúp kiểm soát an ninh tài chính, kiểm soát dòng tiền và chống nạn tham nhũng, rửa tiền".
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress