Mua nhà, người nước ngoài và Việt kiều đang… nghe ngóng

Cập nhật 19/08/2015 08:28

Sau hơn một tháng rưỡi, kể từ khi quy định mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở chính thức được áp dụng, ghi nhận từ thực tế cho thấy, mức độ quan tâm của người nước ngoài, Việt kiều tại nhiều dự án bất động sản tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn khiến nhiều người còn ngần ngại.

Dự án Jamona Home Resort đã bán được 10% sản phẩm cho người nước ngoài

Nhu cầu tăng…

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về vấn đề này. Theo  HoREA, Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 về cơ bản đã đảm bảo sự thông thoáng, minh bạch, nhất là quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước, đã có tác động tích cực, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng và chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc chậm ban hành các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở vô hình trung đã làm chậm việc đưa các chính sách mới vào cuộc sống.

Còn ghi nhận của Đầu tư Bất động sản từ thực tế cho thấy, sau hơn một tháng rưỡi kể từ lúc quy định mở cửa cho người nước ngoài được mua nhà, tại các dự án bất động sản ở TP. HCM, nhu cầu tìm hiểu mua nhà của người nước ngoài, Việt kiều tăng lên đáng kể.

Đơn cử như tại Dự án Jamona Home Resort tại quận Thủ Đức do Sacomreal làm chủ đầu tư, nguồn tin từ DN này cho biết, trong số 200 giao dịch thành công tại dự án này tời gian qua, có khoảng 10% giao dịch thuộc về người nước ngoài và Việt kiều. Còn tại Dự án Vinhomes Tân Cảng, tính đến nay cũng đã có khoảng 100 khách hàng là người nước ngoài và Việt kiều mua căn hộ.

Tương tự, tại các dự án căn hộ cao cấp khác của Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam…, số lượng người nước ngoài và Việt kiều quan tâm tìm hiểu khá nhiều. Tuy nhiên, việc người nước ngoài mua nhà tại các dự án chủ yếu mới dừng lại ở mức độ cho giữ chỗ, đặt cọc, còn việc chính thức giao dịch phải chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Theo lãnh đạo của nhiều DN, do sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, nhiều khách hàng nước ngoài dù có nhu cầu và muốn mua nhà, nhưng ngần ngại, sợ vướng thủ tục nên chưa quyết định.

Bà Võ Thị Dịu Hiền, Phó tổng giám đốc Sacomreal cho biết, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà là sự đột phá mạnh mẽ, tạo bước ngoặt phát triển cho thị trường bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp. Điều này không chỉ tác động tích cực đến các dự án có thể bán cho nước ngoài, mà còn là cơ hội để các DN bất động sản mạnh dạn tiếp cận với phân khúc bất động sản cao cấp, triển khai các dự án mới và đa dạng hoá dòng sản phẩm.

“Tại dự án Jamona Home Resort, nếu như trước đây chỉ có khách hàng trong nước thì hiện nay, người nước ngoài và Việt kiều đến tìm hiểu dự án rất nhiều”, bà Hiền nói và cho rằng, người nước ngoài hay Việt kiều là những khách hàng “khó tính” hơn khách hàng nội, họ chỉ quan tâm đến các dự án được đầu tư bài bản, chủ đầu tư uy tín và dự án phải được chăm chút đầu tư.

Nhưng còn phải chờ đợi

Ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và định giá Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, việc hợp thức hóa, công nhận quyền sở hữu nhà ở rộng rãi hơn người nước ngoài, bên cạnh việc làm tăng sức cầu, còn cho thấy sự bình đẳng giữa người dân trong nước, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam, Việt kiều đã về nước và kể cả Việt kiều đang sống tại nước ngoài. Thay đổi quan trọng này của Luật Nhà ở sửa đổi được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và là một điểm cộng trong việc thôi thúc họ đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.

“Tuy sắc luật này mang lại hiệu ứng rất tốt, nhưng hiện đã có độ trễ về chính sách so với diễn biến thực tế của thị trường, cụ thể là việc thiếu các nghị định, thông tư, hướng dẫn cụ thể. Hàng loạt câu hỏi của người nước ngoài được đặt ra lúc này, như thời hạn sở hữu nhà cho họ là 50 năm, sau 50 năm thì như thế nào? Quyền được chuyển nhượng, thế chấp sau khi mua nhà ra sao? Làm sao chuyển tiền về Việt Nam để mua bất động sản, bởi theo quy định hiện nay, họ không được phép chuyển tiền trực tiếp từ nước ngoài về…

Các vấn đề liên quan đến pháp lý này đang rất được người nước ngoài quan tâm”, ông Jonathan Tizzard nói và cho rằng, để khơi thông được tiềm năng lớn về nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài, Việt kiều, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng.

Cushman & Wakefield đã trao đổi với nhiều nhà đầu tư, họ là những người đang chờ đợi thời điểm thích hợp để đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi rõ ràng là có những bên khá hào hứng với những quy định mới thông thoáng cho nhà đầu tư mới ban hành gần đây, thì vẫn còn nhiều bên chờ đợi để xem tác động của nó với thị trường trước khi quyết định đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản