Mua đất TP.Thủ Đức bị dắt đến...Bình Dương, Đồng Nai?

Cập nhật 03/09/2020 08:34

Nhiều người được giới thiệu mua những khu đất tại thành phố Thủ Đức trong tương lai nhưng lại bị dẫn đi lòng vòng, xem đất tại tận Đồng Nai.

Những chuyến đi hành xác...


Ngày 1/9/2020, theo tìm hiểu của Đất Việt, nhiều người có nhu cầu mua đất tại khu vực TP. HCM phản ánh việc thường xuyên bị đơn vị môi giới bất động sản đưa ra những thông tin sai sự thật nhằm đưa khách đi xem đất rồi mời chào ký hợp đồng mua bán.

Ông Nguyễn Đình Đức (46 tuổi, người dân sống tại TP. Long An) chia sẻ, do nhu cầu về công việc của 2 vợ chồng nên đầu tháng 8/2020 có tìm mua một khu đất ở Q. Thủ Đức, TP. HCM.

Thông qua thông tin rao bán trên mạng từ các sàn môi giới bất động sản, ông Đức được một nhân viên kết nối xem dự án tại P. Linh Trung, Q. Thủ Đức với lời quảng cáo nơi đây sẽ trở thành trung tâm của "thành phố Thủ Đức trong tương lai".

Khu đất ở Đồng Nai mà ông Đức được nhân viên môi giới dẫn đi xem sau khi quảng cáo ở khu vực Q. Thủ Đức, TP. HCM.

"Họ nói nhiều về quy hoạch, những tuyến đường đã có dự án, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và sẽ tiến hành thi công vào đầu năm 2021, bên cạnh đó là những hạ tầng, dịch vụ đi kèm như trường học, bệnh viện, siêu thị... chỉ cách khu đất đó chừng vài km" - ông Đức cho hay.

Tin theo lời quảng cáo, ông Đức được nhân viên môi giới hẹn đưa xe ô tô xuống tận TP. Long An để đón đi xem đất. Nhưng khi lên xe, ông Đức mới thật bất ngờ khi không chỉ có mình mà còn rất nhiều người khác "cũng đi xem đất như mình" đang ngồi trên xe.

"Họ không đưa tôi đi xem khu đất ở Q. Thủ Đức như đã thỏa thuận trước đó mà dẫn tới một khu đất trống ở Bình Dương để giới thiệu, xong họ lại dẫn tới một khu đất khác ở Đồng Nai. Khi được hỏi thì nhân viên môi giới lại cho rằng, khu đất ở Q. Thủ Đức họ quảng cáo có vị trí không đẹp bằng, khó sinh lời hơn các khu đất đang đi xem nên muốn giới thiệu trước.

Chuyến đi đó lòng vòng hết 1 ngày, từ sáng sớm cho tới tận tối muộn mới về tới nhà mà cuối cùng tôi không đạt được mục đích gì. Bởi tôi là người mua để ở chứ không phải đầu tư. Chưa nói đến vấn đề pháp lý sau dự án đó mà chuyện đi ròng rã một ngày như thế thực sự mệt mỏi" - ông Đức kể.

Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Trần Văn Thanh (45 tuổi, ngụ Q. 2, TP. HCM) mới thực sự cảm thấy ức chế khi mà sau những buổi được "giới thiệu một nơi, đi xem đất một nẻo" thì được nhân viên môi giới liên tục gọi điện, nhắn tin "mời như ép" ký hợp đồng mua bán.

"Họ liên tục gọi điện, mời chào mặc dù tôi đã nhiều lần từ chối, nói thẳng là không có nhu cầu. Thậm chí, bên môi giới còn mỉa mai về việc đưa đón, bao ăn uống suốt thời gian đi xem khu đất đó nhưng không mua, nói mình là lừa đảo... đến mức tôi phải chặn số điện thoại thì họ lại lấy số khác gọi và tiếp tục mời mua đất" - ông Thanh than thở.
Nhân viên môi giới đưa ra thông tin quy hoạch trên giấy để mời khách hàng ký hợp đồng mua bán đất nền.

Cảnh giác, tỉnh táo...

Trao đổi với Đất Việt về hiện tượng "rao bán đất một nơi, dẫn đi xem một nẻo", ông Nguyễn Xuân Kiên - Giám đốc doanh nghiệp, thành viên Hội Môi giới BĐS TP. HCM cho rằng, đây là chiêu trò không mới.

"Để bán được hàng, một số môi giới bất động sản không từ những thủ đoạn. Ban đầu thường nhân viên môi giới sẽ đưa ra những thông tin về quy hoạch, hồ sơ pháp lý dự án nhưng nếu chỉ trao đổi thì sẽ khó thuyết phục được người mua nên phải tìm cách dẫn người mua đi xem trực tiếp để tạo tâm lý, lòng tin với khách hàng.

Tuy nhiên, đối với đa phần những trường hợp như nói ở trên thì bên môi giới không có khu đất, dự án nào ở Q. Thủ Đức như đã nói. Vì nếu có, họ đã dẫn tới đó xem chứ chẳng dại gì mà đưa đi xa, vừa tốn kém thời gian và tiền bạc" - ông Kiên cho biết.

Tuy nhiên, từ tình trạng này, ông Kiên cũng cho rằng, đất nền tại các quận ngoại thành TP. HCM, TP. Hà Nội đang có biểu hiện "sốt" trở lại, lợi dụng việc nhiều người có nhu cầu mua đất ở các khu vực ngoại thành thành phố trung tâm nên nhân viên môi giới mới đăng tin để thu hút sự quan tâm, kiếm nguồn khách hàng.

Theo ông Kiên, hiện này môi giới bất động sản có nhiều chiêu trò khác nhau như làm giả hồ sơ, giấy tờ khu đất rao bán, giả thông tin quy hoạch, giả luôn chủ nhân của khu đất đó... không còn cách nào khác là người mua cần phải tỉnh táo, kiểm tra kỹ lưỡng tất cả những thông tin môi giới đưa ra. Đồng thời, cơ quan chức năng cần phải minh bạch thông tin quy hoạch, thông tin - tiến độ những dự án có trên địa bàn để người dân tham khảo.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đất việt