Tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội, đất dịch vụ và nông nghiệp được rao bán với giá cao ngất ngưởng, nhiều người lao vào “ôm” đất bất chấp rủi ro
Trong thời gian gần đây, nhiều khu vực ở Hà Nội giá đất bất ngờ tăng chóng mặt như Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh... Không chỉ đất thổ cư mà ngay cả đất dịch vụ cũng được rao bán tràn lan và xuất hiện xu hướng nhà đầu tư lao vào thu gom.
Ồ ạt mua bán đất dịch vụ
Từ vài tuần trở lại đây, đất dịch vụ (là diện tích đất đền bù cho các hộ nông dân bị thu hồi hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để chuyển đổi nghề nghiệp) tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tăng giá chóng mặt và tin rao bán loại đất này tràn ngập trên các trang rao vặt về nhà đất và ngay các văn phòng nhà đất tại địa phương.
Mức giá đất dịch vụ rao bán dao động từ 20 đến 30 triệu đồng/m2 (tùy thuộc vị trí trong ngõ hay mặt đường), với những lời rao hấp dẫn như: Bán đất dịch vụ giá rẻ, hồ sơ đầy đủ giấy chứng nhận của huyện Hoài Đức cấp, giấy tờ hợp lệ, có xác nhận và dấu của HTX nông nghiệp và xác nhận của chính quyền địa phương...
Các văn phòng nhà đất tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức - Hà Nội rao bán ồ ạt đất dịch vụ |
Cùng với sự rao bán ồ ạt này, đã có không ít người dân, nhà đầu tư đổ xô về thu gom chờ thời. Theo nhận định của giới kinh doanh bất động sản và chính những người đi thu gom đất dịch vụ tại Vân Lũng, giá đất biệt thự tại khu đô thị mới Nam An Khánh, Bắc An Khánh nằm kế bên thôn Vân Lũng có giá đắt gấp 3 lần nên việc giá đất dịch vụ thu hút là khó tránh khỏi.
Chiều 22-4, có mặt tại Nhà Văn hóa thôn Vân Lũng, phóng viên tận mắt chứng kiến cảnh người dân đến nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cho quỹ đất dịch vụ. Ngay tại hiên nhà văn hóa, chúng tôi đã được không ít người dân chào bán đất dịch vụ với giá từ hơn 800 đến hơn 900 triệu đồng/suất (gần 40 m2, khoảng trên dưới từ 20 đến 30 triệu đồng/m2).
Bán đất trên “trời”?
Khi chúng tôi gọi đến các số điện thoại rao bán đất dịch vụ tại thôn Vân Lũng thì được trả lời là không biết rõ đất ở đâu mà chỉ rao bán hộ. Cũng tương tự như việc chào hàng trên mạng, tại các văn phòng nhà đất ở khu vực này, dân môi giới đất dịch vụ cũng lảng tránh về vị trí mảnh đất rao bán hoặc chỉ đại một mảnh đất trống nào đó để người mua yên tâm. Thậm chí có người dân chào bán đất dịch vụ mà chúng tôi tiếp xúc thì chỉ lên trời nói: “Đất dịch vụ hiện nó đang ở trên trời, tôi làm sao mà biết được”.
Người dân đến nộp tiền làm hạ tầng đất dịch vụ chiều 22-4
|
“May mắn” hơn, chúng tôi được chị Ngoan, ở cạnh Nhà Văn hóa thôn Vân Lũng, rao bán mảnh đất 74 m2 ở mặt đường, với giá 30 triệu đồng/m2 hiện vẫn là đất nông nghiệp chứ không phải đất thổ cư và “hứa” đây sẽ là đất dịch vụ phân cho người dân trong tương lai. Ngay cạnh mảnh đất bỏ trống được rao bán này đã có hàng loạt ngôi nhà xây dựng từ nhiều năm nay hoặc đang thi công. Như vậy, những ngôi nhà này đã và đang được xây dựng trái phép trên đất đã lấn chiếm hoặc đã được quy hoạch.
Mộng “ôm” đất dịch vụ có lời lớn của không ít người dân có thể không thành khi theo thông báo của UBND xã An Khánh, thực tế có đến 60% đất dịch vụ tại thôn Vân Lũng chưa được giải phóng mặt bằng do phần lớn số diện tích này đã bị người dân đua nhau lấn chiếm xây dựng nhà kiên cố trái phép từ nhiều năm nay. Hiện chính quyền địa phương đang đề xuất UBND huyện Hoài Đức không giải tỏa những công trình xây dựng trái phép này mà khấu trừ vào số diện tích đất dịch vụ các hộ dân sẽ được quyền hưởng.
Coi chừng sập bẫy
Theo chính sách “hợp lý hóa” đất lấn chiếm của chính quyền địa phương, có không ít hộ gia đình địa phương sẽ không được hưởng thêm mét vuông đất dịch vụ nào vì đã lấn chiếm một mảnh đất làm nhà từ lâu nay nhưng lại vẫn bán đất dịch vụ “trên trời” cho người khác.
Trước tình trạng người dân địa phương bán đất tràn lan và có thể dẫn đến rủi ro cho người mua, đồng thời khó tránh dẫn tới tranh chấp, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, ông Nguyễn Huy Hoán, lại trả lời xem như việc ở nơi khác: “Nếu có tranh chấp thì chỉ còn chờ cơ quan chức năng phân xử”.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động