Nhiều năm bị chủ đầu tư bỏ rơi, chung cư không có ban quản trị, xuống cấp trầm trọng, cư dân không làm được giấy chủ quyền nhà.
Trên đây là những bức xúc thường trực của cư dân chung cư Hoàng Kim (đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM). Tình hình càng thêm căng thẳng khi chủ đầu tư (CĐT) sang tay quyền quản lý chung cư cho công ty khác.
Bên thứ ba đòi nhảy vào thu chi
Chung cư Hoàng Kim do Công ty TNHH Tư vấn-Thiết kế KTT làm CĐT, quy mô 94 căn hộ. Chung cư được đưa vào sử dụng từ năm 2010 nhưng đến nay chưa có ban quản trị, cư dân chưa được làm sổ hồng, công tác bảo trì bị bỏ mặc. Tổng giám đốc KTT đang chấp hành án tù do một vụ án kinh tế khác nên mọi hoạt động liên quan đến CĐT phải thông qua người đại diện là bà Nguyễn Thị Mộng Kiều Tiên.
Bất ngờ ngày 25-8, cư dân nhận được thông báo của Công ty TNHH Tư vấn- Thiết kế Sơn Hùng cho biết chính thức tiếp quản từ Công ty KTT toàn bộ việc quản lý chung cư theo “hợp đồng chuyển nhượng quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp tại chung cư” giữa KTT và Sơn Hùng.
Ngay sau đó Sơn Hùng yêu cầu cư dân đóng tiền đợt cuối (5% còn lại) để “triển khai làm chủ quyền”, thanh toán phí quản lý đang nợ, nếu không sẽ cắt nước. Đáng nói, công ty rao bán chỗ đậu ô tô trong chung cư với giá 990 triệu đồng.
Theo cư dân, mới đây tại chung cư xuất hiện một nhóm người gây huyên náo, đe dọa khiến họ vô cùng bất an, phải cấp báo chính quyền. “CĐT quá đáng đến nỗi chúng tôi đã đóng phí quản lý nhưng vẫn bị họ cắt nước, quận phải yêu cầu thì họ mới mở lại” - một số hộ cho hay.
Chung cư cao cấp Hoàng Kim (quận 7, TP.HCM) sau nhiều năm không được bảo trì, sửa chữa đã hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: CẨM TÚ |
Mua tầng hầm rồi bán chỗ đậu xe: Còn tranh luận
Theo luật sư Nguyễn Thị Mỹ Viễn, Công ty Luật An Ánh Dương, Điều 74 Luật Nhà ở 2005 nêu rõ “nơi để xe là sở hữu chung”. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu hợp đồng có nội dung mâu thuẫn với pháp luật hiện hành thì nội dung đó bị vô hiệu. Bà phân tích: “Dù KTT viện dẫn tầng hầm là sở hữu riêng của CĐT theo hợp đồng thì nội dung này cũng không có giá trị pháp lý. KTT bán tầng hầm cho người khác là sai, trừ khi KTT được cấp sổ hồng đối với tầng hầm này.”
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thành Dâng, Công ty Luật Pháp Lý Việt, cho rằng CĐT có quyền bán những hạng mục thuộc tài sản riêng của mình tại chung cư. Ông nói: “Bãi đậu xe chỉ cần đảm bảo đủ chỗ cho xe máy theo giấy phép xây dựng, phần đậu ô tô thuộc sở hữu riêng của CĐT. Hợp đồng cũng đã nói rõ nên CĐT có quyền bán. Bên mua giữ đúng chức năng hạng mục này là bãi đậu xe và có quyền cho thuê hoặc bán”.
Một lãnh đạo UBND quận trên địa bàn TP cho rằng Sơn Hùng chỉ có thể mua lại quyền khai thác dịch vụ cho thuê chỗ để xe tại tầng hầm và phải tiếp tục cho thuê, không được bán vì như vậy là “ép cư dân, không thể chấp nhận được”.
“Gần đây bên bảo trì thang máy thông báo phải thay một số linh kiện quan trọng mới đảm bảo an toàn, chi phí gần 150 triệu đồng. CĐT hứa sẽ thực hiện nhưng chúng tôi tìm hiểu thì đơn vị bảo trì cho biết tiền lần trước CĐT còn chưa trả, nói chi đến bảo trì mới. Công ty Sơn Hùng đòi bán một chỗ đậu ô tô gần 1 tỉ đồng trong khi có chiếc xe giá chỉ vài trăm triệu đồng” - cư dân chung cư Hoàng Kim.
“Về chỗ đậu ô tô, tôi sẽ sắp xếp lại theo quy chuẩn xây dựng để bán cho người mua được cấp giấy chứng nhận như một số chung cư khác” - ông Đào Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Sơn Hùng.