Mua bán “ngầm” nhà thuộc sở hữu Nhà nước bị phạt nặng: Phạt ai? Ai phạt?

Cập nhật 04/05/2009 11:45

Theo quy định mới tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-5-2009, các trường hợp đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước nếu thực hiện chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn nhà ở mà không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà sẽ bị phạt. Một số ý kiến cho rằng, sẽ có rất nhiều người Hà Nội bị phạt vì từ trước tới nay, thành phố vẫn cho chuyển nhượng và người tham gia giao dịch chỉ phải nộp phí.

Chấm dứt giao dịch tự do

Hà Nội là đô thị có quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước lớn nhất cả nước. Điều tra quỹ nhà trên toàn thành phố cho thấy, Hà Nội có tới 5,5 triệu m2 nhà thuộc sở hữu Nhà nước với khoảng 185.000 hộ dân đang sinh sống (khoảng hơn 10% dân số).

Trong đó, quỹ nhà do các cơ quan hữu quan quản lý khoảng trên 2 triệu m2, tương đương 75.000 căn hộ. Còn lại là quỹ nhà thuộc các cơ quan Trung ương và thành phố tự quản lý. Từ khi quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước xuất hiện tại Hà Nội (cách đây gần 50 năm), kể từ khi chưa có Nghị định 61/CP, hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền thuê nhà đã hình thành.

Qua gần nửa thế kỷ, không thể đếm hết được các giao dịch dân sự liên quan tới quỹ nhà này. Tuy nhiên, kể từ 1-5-2009, theo các quy định tại khoản 3, điều 53, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, các loại giao dịch dân sự liên quan tới quỹ nhà Nhà nước, nếu không được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, sẽ bị coi là phạm luật và bị phạt rất nặng.

Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với người thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thực hiện chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, cho mượn nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà.

Cũng theo các quy định tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP, người sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước mà cơi nới, sửa chữa, cải tạo nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng! Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện đúng các quy định về quản lý, giao dịch nhà ở.

Nhiều người sẽ bị phạt?


Một số chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, nếu chiểu theo quy định trên, Hà Nội sẽ có rất nhiều trường hợp bị phạt. Bởi, từ trước tới nay, thành phố vẫn cho phép người dân chuyển nhượng, mua bán.

Theo các quy định tại Quyết định số 62/2000/QĐ-UB do Phó Chủ tịch UBND TP tại thời điểm đó là ông Lê Quý Đôn ký, ban hành, các hộ gia đình đều có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, khi có nhu cầu xin được chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho nhau; nếu căn hộ hoặc ngôi nhà đang được thuê không có tranh chấp, khiếu kiện, thì được phép sang tên chuyển nhượng.

Thành phố còn quy định thu phí đối với các đối tượng này với khoản lệ phí chuyển nhượng bằng 1% tổng giá trị nhà và đất. Người nhận chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở cũng được phép mua nhà theo quy định tại Nghị định số 61/CP. Ngay các trường hợp chuyển nhượng nhiều lần, nhiều chủ cũng được ghi nhận với mức phí 50.000đ cho một lần chuyển dịch.

Ông Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, khi ấy, các bộ, ngành cũng đã bàn thảo và cuối cùng đồng ý với việc cho phép người dân được chuyển dịch. “Với những người mua lại hợp đồng từ người sử dụng nhà trước đó cũng được mua nhà theo Nghị định 61/CP vì khi họ mua, họ đã phải trả tiền cho người bán theo giá thị trường. Ưu đãi chính sách thay vì dành cho những hộ đã bán nay chuyển cho những hộ mua cuối cùng cũng vẫn phù hợp. Đó là đời sống, không thể cản người ta mua bán...” - ông Lê Văn Cường nói.

Nói về các quy định tại điều 53, Nghị định 23/NĐ-CP, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội rất băn khoăn khi triển khai trên thực tế. “Nói là phạt nhưng không rõ sẽ phạt ai? Phạt người bán hay người mua. Quyền phạt của Thanh tra, cơ quan quản lý nhà không có thẩm quyền, vậy làm sao bắt quả tang để phạt?

Thêm nữa, đa số các trường hợp chuyển nhượng nhà đều cách đây từ 2-3 năm, thậm chí hàng chục năm trước, vậy có hồi tố không hay chỉ phạt với những giao dịch từ 1-5-2009? Với các giao dịch đã thực hiện trước 1-5-2009, nếu tiếp tục không đăng ký với cơ quan quản lý nhà thì có bị phạt không?”.

Đồng tình với ông Nguyễn Quốc Tuấn, một số ý kiến khác cho rằng, quy định còn có hình thức xử lý phụ “buộc thực hiện đúng các quy định về giao dịch nhà ở” cũng sẽ rất khó thực thi. Bởi, nếu người bán hoặc người mua đã đi nước ngoài, không còn địa chỉ liên lạc hoặc đã chết thì người còn lại biết hoàn thành nốt giao dịch với ai?! ấy là chưa kể, có tới hàng chục nghìn trường hợp nhà thuộc sở hữu Nhà nước nhưng chưa bàn giao cho cơ quan quản lý nhà.

Vậy người dân muốn bán - mua thì xin phép bằng cách nào và cơ quan bán nhà (vốn không quản lý căn nhà đó) lại có đủ thẩm quyền để quyết định việc cho phép bán - mua thứ vốn không thuộc về mình? Ngoài ra, trước nay, thành phố vẫn cho phép giao dịch như đã nêu trên, nếu ngay lập tức áp dụng quy định mới, liệu người dân có kịp thích ứng ngay với các mức xử phạt như vậy?

Theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 500.000 đến 2.000.000 đồng nếu tổ chức, cá nhân cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở hoặc cho thuê nhà ở mà không lập hợp đồng; cho thuê nhà từ 6 tháng trở lên hoặc ủy quyền quản lý nhà ở mà không thực hiện công chứng hợp đồng. Hành vi lập hợp đồng giao dịch giả tạo về nhà ở cũng bị phạt từ 5-10 triệu đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô