Mua bán đất giấy tay: Phạt người mua lẫn người bán

Cập nhật 23/11/2009 11:40

Nếu trốn nộp phạt, người vi phạm sẽ bị cưỡng chế như khấu trừ vào lương, trừ tiền từ tài khoản... hoặc bị kê biên tài sản để bán đấu giá.

“Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Ví dụ, một người lấn chiếm đất, căn cứ vào mức độ vi phạm, hậu quả... có thể bị phạt tới 500 triệu đồng. Cùng với đó, người này còn hủy hoại đất, hành vi đó phải bị phạt tới 500 triệu đồng. Như vậy, trường hợp này người vi phạm sẽ bị phạt tới 1 tỷ đồng” - ông Đặng Quang Phán, Vụ phó Vụ Chính sách - Pháp luật - Tổng cục Quản lý đất đai, đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định 105 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (có hiệu lực vào ngày 1-1-2009), cho biết.

Không phải có tiền là có đất

Theo Điều 14 Nghị định 105, hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng không đủ điều kiện có thể bị phạt 2-10 triệu đồng đối với đất tại khu vực đô thị, 1-5 triệu đồng đối với đất ở khu vực nông thôn. Nhưng nghị định lại không nói rõ “không đủ điều kiện” ở đây là đối với người nhận chuyển nhượng hay đối với đất.
 

Hành vi chuyển nhượng đất không hợp pháp sẽ bị phạt từ 200.000 đến 10 triệu đồng. Ảnh: HTD


Về vấn đề này, một thành viên trong ban soạn thảo nghị định giải thích: “Không đủ điều kiện” phải được hiểu là bên nhận chuyển quyền không đủ điều kiện nhận chuyển quyền, hoặc đất không đủ điều kiện để chuyển quyền. Cụ thể, Luật Đất đai quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước... Chiếu theo quy định này, cán bộ, viên chức không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa nước. Hay đối với đất đang bị kê biên cũng không đủ điều kiện để nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho, nhận góp vốn.

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp bên bán đủ điều kiện chuyển quyền nhưng bên mua lại không đủ điều kiện nhận chuyển quyền và ngược lại. Nhưng có những trường hợp cả hai bên đều không đủ điều kiện.

Về tình trạng mua bán đất bằng giấy viết tay khá phổ biến hiện nay, một thành viên ban soạn thảo nghị định cho biết theo quy hiện hành, việc mua bán đất phải có hợp đồng công chứng, sau đó qua văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để làm thủ tục sang tên. Nếu mua bán bằng giấy tay thì hai bên đã làm sai quy định. Cơ quan chức năng phát hiện ai làm sai sẽ xử phạt người đó. Như vậy, người bị xử phạt có thể là người mua, có thể là người bán hoặc cả hai.

Dự án treo: Phạt tiền và thu hồi đất

Hiện có nhiều dự án treo, đất dự án để hoang. Trong khi đó, nhiều cá nhân, tổ chức cần đất để sản xuất, kinh doanh nhưng đành bó tay do quỹ đất ở khu vực đó đã hết. Để “xử” việc lãng phí đất này, Nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư quá thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

Về dự án treo, theo một thành viên ban soạn thảo, cùng với việc chủ đầu tư bị phạt tiền, đất dự án trong tình trạng đó phải bị thu hồi. Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt mà có thẩm quyền thu hồi đất thì thực hiện đồng thời việc xử phạt và thu hồi đất. Trường hợp người xử phạt không có quyền thu hồi đất thì gửi văn bản đề nghị UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất.

Khó thoát nộp phạt

“Việc nâng mức phạt cho một số hành vi lên đến 500 triệu đồng là tăng mức răn đe trong xử phạt. Mặt khác, giá đất ở nhiều nơi hiện rất cao. Trước đây, vài chục mét vuông đất chỉ có vài chục triệu đồng nhưng nay đã tăng lên tới vài trăm triệu đồng. Vì vậy, việc tăng mức phạt cũng là hợp lý so với thực tế” - ông Đặng Quang Phán lý giải.

Theo nghị định, sau mười ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, nếu người vi phạm không nộp phạt thì bị cưỡng chế bằng cách bị khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập hoặc khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Nếu không áp dụng được những cách trên, cơ quan chức năng có thể kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
 


(Theo Nghị định 105 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai)

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP