Công chứng từ chối giải quyết thì bị người dân khiếu kiện, còn nếu công chứng thì khi người mua đất đi trước bạ lại bị quận, huyện “ách” lại.
Vừa qua, một số người đi công chứng cho biết các phòng công chứng của TP.HCM đột nhiên ngưng chứng nhận giao dịch chuyển nhượng nhà, đất ở một số quận, huyện. Qua tìm hiểu tại bảy phòng công chứng, được biết chỉ tạm thời ngưng công chứng giao dịch nhà, đất tại một số nơi có văn bản ngăn chặn từ UBND các quận, huyện.
Nhà, đất bị thu hồi không được bán
Cuối năm 2007, UBND quận 7 có văn bản gửi các phòng công chứng cho biết khu vực dự án Trường đại học Cảnh sát đã có quyết định thu hồi đất. Vì vậy, các phòng công chứng không được cho chuyển nhượng 62 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 3 (phường Tân Phong, quận 7).
Đầu năm 2008, các phòng công chứng lại nhận được văn bản của UBND quận 2 yêu cầu ngưng giao dịch chuyển nhượng nhà, đất tại năm phường của quận này.
Tuy nhiên, trong văn bản không đề cập danh sách cụ thể các hộ bị giải tỏa nên các phòng công chứng hoang mang, không biết cụ thể nhà, đất nào bị giải tỏa để ngăn chặn việc mua bán. Do đó, các phòng công chứng phải tạm thời yêu cầu người dân tại năm phường này chờ văn bản xác minh của các phòng công chứng rồi mới giải quyết.
Ngày 28-2, UBND quận 2 mới có công văn trả lời cho các phòng công chứng. Theo đó, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có quyết định thu hồi đất tại năm phường, trong đó ba phường giải tỏa toàn bộ là Thủ Thiêm, An Khánh, An Lợi Đông; hai phường giải tỏa một phần là Bình An và Bình Khánh.
Công văn này kèm theo danh sách gần 2.600 hộ tại hai phường Bình An và Bình Khánh nằm trong diện giải tỏa một phần, không được phép giao dịch. Những nhà, đất nằm ngoài dự án trên vẫn được các phòng công chứng chứng nhận giao dịch bình thường.
Ngăn chặn công chứng thiếu cơ sở
Riêng Công văn 3264 ngày 26-12-2007 của UBND huyện Củ Chi gửi các phòng công chứng chỉ cho giải quyết đối với trường hợp chứng minh nguồn gốc chuyển nhượng đất nông nghiệp từ cha mẹ cho con; chủ đất chuyển đến nơi cư trú khác, không có khả năng trực tiếp lao động...
Theo ông Lê Minh Tấn - Quyền Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, do tình hình mua bán, chuyển nhượng đất diễn ra trên địa bàn huyện phức tạp, có dấu hiện đầu cơ đất đai nên huyện “siết” lại như vậy.
Các phòng công chứng của TP.HCM đang bối rối, không biết có nên tuân thủ văn bản ngăn chặn của huyện Củ Chi hay không. Rõ ràng văn bản này có cơ sở pháp lý quá “yếu”. Nếu công chứng từ chối giải quyết thì có thể bị người dân khiếu kiện. Còn nếu công chứng giải quyết mà khi người mua đất đi trước bạ bị huyện Củ Chi “ách” lại thì cũng... rối!