Một số dự án của PVN đã có chuyển biến tích cực

Cập nhật 27/02/2018 11:07

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những nỗ lực của PVN trong việc triển khai các giải pháp, xử lý các dự án chưa hiệu quả.

Ngày 26/2 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý yếu kém, tồn tại của 12 dự án, nhà máy ngành Công Thương đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo đánh giá 1 năm thực hiện nhiệm vụ.

Sau nghe đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trình bày báo cáo cũng như đưa ra các ý kiến về tình hình xử lý các dự án chưa hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá:

“Nhờ nỗ lực của Bộ Công Thương, các Tập đoàn và Tổng công ty, sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, bức tranh của 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ đã khả quan, sáng sủa hơn, các dự án đã có các phương án xử lý và đang triển khai”.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp, nội dung công tác trong việc xử lý các dự án chưa hiệu quả của tập đoàn.

Theo Phó Thủ tướng, để đẩy nhanh quá trình xử lý các dự án chưa hiệu quả, PVN đã thành lập ra các tổ công tác chuyên trách xử lý từng dự án chưa hiệu quả, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia tổ công tác.

Với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, đến nay, các dự án chưa hiệu quả của PVN đã có những chuyển biến tích cực.

Đối với Dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX)

Hiện nay, VINATEX khẳng định sẽ hỗ trợ PVTEX bao tiêu 100% năng lực tiêu thụ xơ PSF theo giá thị trường, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công nhân vận hành và thông tin thị trường.

Đồng thời, trong tháng 1/2018, PVN đã hỗ trợ PVTEX làm việc với một số khách hàng tiêu thụ tại thị trường tiêu thụ xơ PSF trong nước.

Kết quả cho thấy các khách hàng đều ủng hộ tiêu thụ sản phẩm của PVTEX nếu Nhà máy vận hành lại, chất lượng sản phẩm ổn định.

Về phương án hợp tác với đối tác để khởi động lại nhà máy: Thực hiện Đề án xử lý các tồn tại yếu kém, trong thời gian qua PVN và PVTEX đã tích cực tìm kiếm đối tác tham gia hợp tác vận hành Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, trong đó có các đối tác Fortrec Chemical (Singapre), Reliance Pte. Ltd. (Ấn Độ), An Phát Holdings (Việt Nam)...

Đến ngày 20/1/2018, Tổ hợp An Phát Holdings + Fortrec Chemical + Reliance Pte. Ltd. (APH) đã trình lại Hồ sơ đề xuất phương án hợp tác và PVN, PVTEX đã trao đổi APH để làm rõ các điều kiện hợp tác.

Song song với việc hợp tác với đối tác để khởi động lại nhà máy, hiện nay, PVTEX đang lên phương án tự vận hành phân xưởng trên từ cuối tháng 3/2018.

Đồng thời, các cổ đông cũng đang lên phương án huy động khoảng 60 công nhân để thực hiện công tác bảo dưỡng, chạy kiểm tra máy móc và đào tạo, tổ chức sản xuất sản phẩm để chào cho khách hàng khu vực phía Bắc trước khi vận hành sản xuất 3/29 máy DTY trong 6 tháng với tổng sản lượng khoảng 1.153 tấn DTY loại 75/72 SIM cho thị trường phía Bắc…

Dự án Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX). (Ảnh minh họa: pvme.com.vn).

Đối với Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất (BSR-BF)

PTSC đang triển khai thi công hồ cigar, đã hoàn thành được khoảng 50% khối lượng công việc xây hồ cigar. Bên cạnh đó, PTSC đang phối hợp với BSR-BF hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc xây hồ cigar (đền bù giải phóng mặt bằng, xin giấy phép...).

Dự kiến sẽ hoàn thành xây hồ cigar và đưa vào sử dụng song song với thời điểm vận hành lại Nhà máy (tháng 4/2018).

Về công tác khởi động vận hành lại nhà máy: Hiện nay, BSR-BF đang đàm phán vòng cuối cùng với Tocontap các điều khoản của hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Nếu vòng đàm phán cuối cùng thành công, BSR-BF sẽ hợp tác với đối tác vận hành lại Nhà máy dự kiến cuối tháng 4/2018 (sau thời điểm ký Hợp đồng khoảng 2 tháng).

Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước (OBF)

Theo kế hoạch cũ, OBF sẽ hoàn thành công tác bảo dưỡng, cải tạo thiết bị và vận hành lại Nhà máy từ ngày 15/1/2018 tuy nhiên do các cổ đông chậm góp vốn và hủy kết quả đấu thầu gói bảo dưỡng Nhà máy và lựa chọn lại Nhà thầu là Liên danh Nhà thầu Licogi16-Vietsovpetro nên thời điểm vận hành lại Nhà máy bị chậm so với kế hoạch (PVOil chỉ góp 29% vốn điều lệ nên không quyết định được các vấn đề của Công ty).

Ngày 2/2/3018, OBF đã ký hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn TTCL Việt Nam (TVC) - đơn vị thành viên của Tập đoàn TOYO Thái - khảo sát, lập phạm vi công việc và dự toán gói thầu Bảo dưỡng, sửa chữa Nhà máy và TVC đã hoàn thành lập phạm vi công việc, dự toán gói bảo dưỡng Nhà máy gửi OBF.

Trên cơ sở phạm vi công việc, dự toán do TVC lập, OBF đã gửi cho liên danh nhà thầu Licogi16-VSP chuẩn bị hồ sơ dự thầu gói thầu bảo dưỡng Nhà máy.

Nếu hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu, dự kiến OBF sẽ ký hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị Nhà máy với liên danh nhà thầu Licogi16-VSP.

Theo kế hoạch, OBF sẽ hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa thiết bị và vận hành lại Nhà máy trong tháng 3/2018.

Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ (PVB)

PVN/PVOIL đã hỗ trợ PVB lập Hồ sơ mời hợp tác đầu tư và đăng tải công khai thông tin mời hợp tác đầu tư trên báo theo quy định từ ngày 4/12/2017 và đã có 3 nhà đầu tư đến lấy Hồ sơ mời hợp tác đầu tư (Công ty Thái Sơn, Công ty Mepcom và công ty Cổ phần sản xuất và thương mại LIMO).

PVN đã cử các cán bộ tham gia tư vấn, hỗ trợ PVB đánh giá Hồ sơ đề xuất phương án hợp tác đầu tư Dự án.

Hiện nay, PVB đang hoàn thiện báo cáo đánh giá, làm rõ Hồ sơ đề xuất với Nhà đầu tư và báo cáo các cổ đông xin ý kiến phương án triển khai tiếp theo.

Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS)

Theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương”, chủ trương xử lý như sau:

“Chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai Phương án: Phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật”.


Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Trên tinh thần Quyết định 1468, PVN đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan để tiến hành định giá DQS làm cơ sở chuyển đổi sở hữu DQS; chờ kiểm toán nhà nước để hỗ trợ kiểm toán kết quả thẩm định xác định giá tàu 104.000 DWT làm cơ sở bàn giao giữa PVN và SBIC.

Trong thời gian tới, PVN sẽ tiếp tục chỉ đạo DQS để thống nhất với SBIC về phương án thuê đơn vị kiểm toán, kiểm định thiết bị hợp đồng EPC Dự án xây dựng nhà máy đóng tàu Dung Quất…

Như vậy, với các phương án đang được triển khai, PVN sẽ tập trung thực hiện quyết liệt để xử lý dứt điểm các dự án yếu kém (Xơ sợi Đình Vũ, 3 dự án nhiên liệu sinh học, đóng tàu Dung Quất) theo đúng tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, của Bộ Công Thương.

DiaOcOnline.vn theo Giaoduc.net