Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo cho rằng, một số cao ốc xây dựng trong nội đô thời gian qua là hợp lệ, nhưng cũng có những công trình mọc lên từ chính khuyết điểm của quản lý nhà nước.
Trong phát biểu tại phiên họp bế mạc HĐND TP, ông Nguyễn Thế Thảo đã giải trình một số vấn đề bức xúc được nhiều đại biểu nên lên tại kì họp.
Trong phát biểu của mình, ông Thảo đã đề cập đến việc 241 đồ án, dự án từ sông Nhuệ đến hành lang sông Đáy được Thủ tướng cho phép triển khai tiếp, nhưng vừa qua thành phố lại giao cho sở Qui hoạch kiến trúc tiếp tục rà soát.
Chủ tịch UBND TP cho rằng, các đồ án, dự án này được phép triển khai tiếp, nhưng không đơn thuần làm ngay mà phải rà soát lại qui hoạch cụ thể của từng đồ án, dự án để xem xét điều chỉnh, kể cả qui mô làm sao cho phù hợp với định hướng qui hoạch chung.
Thêm nữa, theo chủ trương trong định hướng qui hoạch chung Hà Nội, toàn bộ các dự án ở vùng hành lang này đều cho phép mật độ cao tầng để khai thác hiệu quả quĩ đất, đồng thời phải đảm bảo tiêu chí của một đô thị văn minh và hiện đại. Vì vậy, phải rà soát, điều chỉnh để kết nối được không gian, hạ tầng.
Chủ tịch UBND TP, Nguyễn Thế Thảo |
“Các doanh nghiệp sốt ruột muốn làm, nhưng chúng ta không thể làm theo kiểu tự phát để không theo được qui hoạch đô thị sau này và như vậy sẽ khiến việc mở rộng Thủ đô, phát triển đô thị của chúng ta không có ý nghĩa”, ông Thảo lý giải.
Ông Thảo cũng cho biết, UBND TP sẽ chỉ đạo sở Qui hoạch Kiến trúc và Viện Xây dựng Hà Nội cùng các cơ quan chức năng đẩy nhanh tốc độ rà soát. Hiện thành phố đang nghiên cứu đưa ra những quan điểm, nguyên lí cơ bản thực hiện, trong đó có việc giải quyết cục bộ và cuốn chiếu để các doanh nghiệp có thể thúc đẩy việc đầu tư.
Chuyển sang vấn đề cao ốc tại nội đô, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc không xây dựng nhà cao tầng trong trung tâm là một chủ trương nhất quán được thể chế hoá bằng qui chế quản lý đô thị trong quyết định 108/1998 (khi điều chỉnh qui hoạch chung của Hà Nội) cùng một loạt qui chế cục bộ cho các khu vực trọng tâm, trọng điểm như trung tâm Hồ Gươm, khu vực Ba Đình, Hồ Tây, Trung tâm hội nghị quốc gia...
Về những công trình cao ốc vừa mọc lên trong khu trung tâm thời gian qua, ông Thảo đưa ra một số nguyên do. Trước hết, theo mật độ, qui chuẩn và tiêu chuẩn tính cho cả hệ thống hạ tầng của không gian đô thị, trong quá trình cải tạo qui hoạch cho phép một số điểm có thể cao tầng hơn để tạo không gian, điểm nhấn kiến trúc. Vì vậy, một số các công trình cao tầng ở góc các điểm nhấn vừa qua theo ông Thảo là hợp lệ.
Tuy nhiên, ông Thảo thừa nhận, có một số công trình được cho phép cao tầng là do quản lý nhà nước không nghiêm túc. “Đó là do chúng ta, là thiếu sót, khuyết điểm của quản lí nhà nước, chứ không thể nói chúng ta không có qui chế”, ông Thảo phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Thảo, trong việc thực hiện cải tạo chung cư cũ vừa qua, những bất cập do chính sách không đồng bộ cũng dẫn tới việc, lựa chọn yếu tố này, mất yếu tố kia. Chỉ đạo đầu tư Bộ Xây dựng đưa xuống là phải do người dân và doanh nghiệp làm, nhà nước chỉ định hướng về qui hoạch, chỉ đạo. Khi thực hiện trong thực tế, người dân muốn tái định cư tại chỗ, diện tích tăng lên, không phải đóng góp và doanh nghiệp phải lập phương án “chồng tầng” nhằm cơi nới diện tích…
Đề cập “sâu” vấn đề cải tạo chung cư cũ, ông Thảo cho rằng, với mục tiêu cải tạo các toà nhà xập xệ, cải thiện đời sống người dân, lẽ ra các khu chung cư phải làm thấp đi, tăng không gian xanh, tăng hạ tầng.
Tuy nhiên, khi thí điểm cải tạo khu chung cư Nguyễn Công Trứ, dù chưa cho phép chủ đầu tư tăng diện tích để bán, phương án đưa ra đã phải nâng cao tới 21 tầng.
Dẫu vậy, ngân sách nhà nước vẫn phải bù ra ra gần 2.000 tỉ đồng, không kém việc đầu tư để xây dựng một khu đô thị mới ở bên ngoài. Đó là chưa kể nhà nước phải giao đất ở bên ngoài cho doanh nghiệp đầu tư lấy lợi nhuận bù vào chi phí.
Vừa qua thành phố đã phải dừng việc thí điểm cải tạo tại khu Nguyễn Công Trứ. Từ thực tế này, ông Thảo cho rằng cần xem lại phương thức đầu tư và ông đề xuất, xây dựng các khu đô thị mới, di chuyển dân cư ra bên ngoài, đồng thời mua lại tài sản của nhân dân, thu hồi lại đất...
Tại các khu vực chung cư cũ sẽ cải tạo hạ tầng, đưa vào những dự án đầu tư phục vụ cho công cộng, những công trình có tính chất kinh doanh có giá trị để bù lại chi phí của nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thảo thừa nhận, để những người dân đang mang hộ khẩu tại Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ… đồng thuận di chuyển ra bên ngoài đòi hỏi một cuộc vận động, thuyết phục không hề đơn giản.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí