Nhà xuống cấp nghiêm trọng không được phép cải tạo, xây mới; đường đi lối lại không được nâng cấp, sửa chữa; không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; không có sân chơi dù xung quanh còn nhiều đất trống… Đó là cuộc sống của 132 hộ dân thuộc tổ dân phố 44 phường Trung Tự, quận Đống Đa.
Lý giải về tình trạng trên, đại diện UBND phường Trung Tự cho biết, 132 hộ dân này nằm trong diện giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Trường Đại học Y Hà Nội. Và mặc dù đã thành lập tổ dân phố từ hàng chục năm trước nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thống kê chính xác thực trạng sử dụng đất của mỗi gia đình. Nguyên nhân là toàn bộ khu đất đã được thành phố giao cho Trường Đại học Y Hà Nội sử dụng từ năm 1990, theo Công văn số 3380 ngày 13-7-1990.
Giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2004 (bản sao) cũng ghi nhận, thửa đất số 236/5-94 diện tích 10,8 ha có nguồn gốc đất Nhà nước cấp thuộc quyền sử dụng của Trường Đại học Y khoa. Thế nhưng những người dân khu vực lại cung cấp cho chúng tôi quyết định phân nhà của Công ty Cung ứng vật tư vận tải cho cán bộ, công nhân viên của công ty từ năm 1991. Theo họ, diện tích đất mà hơn 100 hộ dân đang sinh sống do Công ty san lấp mặt bằng trên diện tích đất của HTX nông nghiệp Khương Thượng. Sau khi được Công ty giao nhà, những gia đình này đã ăn ở ổn định, nhập hộ khẩu thường trú và được thành lập tổ dân phố từ nhiều năm nay.
Hiện nay tình hình sử dụng đất ở khu vực này khá phức tạp. Trong quyết định giao nhà, mỗi gia đình chỉ được sử dụng 18m2 nhưng thực tế hiện nay, diện tích này đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Ngoài ra, còn khá nhiều khu đất trống bị một số người lấn chiếm làm quán bán hàng, địa điểm chơi bi-a trong khi người dân khu vực không có nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhưng bức xúc nhất là tình trạng những dãy nhà cấp 4 lợp phi prô-xi-măng, được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước hiện đã xuống cấp nghiêm trọng mà người dân không được phép xây mới.
Theo ông Đỗ Khắc Sơn - Thanh tra xây dựng phường Trung Tự, những căn nhà này được liệt vào diện nhà nguy hiểm, cần phải di dời dân trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Vì điều kiện ăn ở chật chội, một số gia đình đã tự ý phá dỡ nhà cũ, xây dựng nhà cao tầng kiên cố.
Trong khi đó, Dự án cải tạo, mở rộng Trường Đại học Y đã được "khởi động" từ năm 1990, theo quyết định thành lập Hội đồng GPMB của UBND quận Đống Đa ngày 25-8-1990. Đến ngày 31-10-1998 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 980/QĐ-TTg phê duyệt dự án trên với tổng mức đầu tư 326,5 tỷ đồng. Liên tục sau đó, năm 1999, năm 2003 các tổ công tác, Hội đồng GPMB lại được thành lập nhưng cho đến nay mọi việc vẫn "dậm chân tại chỗ". 132 hộ dân vừa sống vừa nơm nớp lo không biết đến bao giờ dự án mới "tái" khởi động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tấn Anh, Chủ tịch UBND phường Trung Tự nêu quan điểm, trong khi chờ đợi hoàn thiện thủ tục GPMB thực hiện dự án, Trường Đại học Y Hà Nội cần xác định rõ khuôn viên hiện có của nhà trường cũng như hiện trạng đất đai các hộ gia đình đang sử dụng. Việc này không chỉ bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực mà còn cung cấp dữ liệu cho chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hiện trạng sử dụng đất của người dân, tránh tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép. Hiện công việc này đang được tiến hành, Trường Đại học Y đã khởi công xây dựng gần 300m tường rào ngăn cách tổ 44 và khuôn viên nhà trường.
Thực tế, một dự án "treo" 18 năm, đến nay đã hình thành một khu vực dân cư sinh sống ổn định, cấp có thẩm quyền và cơ quan hữu quan cần căn cứ vào thực tế sử dụng đất tại khu vực để có những điều chỉnh phù hợp. Nếu dự án còn tính khả thi thì cần triển khai nhanh công tác GPMB, tổ chức tái định cư cho người dân. Trong trường hợp ngược lại, cấp có thẩm quyền cần ra quyết định thu hồi, siết chặt công tác quản lý đất đai để ổn định cuộc sống cho 132 hộ dân, bảo đảm quy hoạch, mỹ quan khu vực cũng như tận thu tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới