Một căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM, lại có đến hai giấy chủ quyền. Cả hai giấy này đều do UBND quận cấp trong vòng một tháng. Đó là căn nhà tại địa chỉ 539/57 (số cũ là 539/24) đường Cách Mạng Tháng Tám, P.15, Q.10.
"Hai giấy" tranh chấp một nhà
Căn nhà 539/57 Cách Mạng Tháng Tám được UBND quận 10 cấp giấy chủ quyền số 1733 cho bà Nguyễn Thị Nhung ngày 12-8-2003 (tạm gọi là giấy chủ quyền sau). Giấy chủ quyền này giao cho chị Trần Thị Dung giữ. Nhưng không ai ngờ căn nhà còn có một giấy chủ quyền khác mang số 1380 được cấp ngày 4-7-2003 (tạm gọi là giấy chủ quyền trước), do ông Trần Văn Phong (anh của chị Dung) đang giữ. Đến khi ông Phong trưng giấy chủ quyền này ra, mọi người mới vỡ lẽ.
Ngay khi phát hiện vụ việc, chị Dung cho biết đã gửi đơn cho UBND quận 10 và các cơ quan liên quan thông báo vụ việc. Trong khi thắc mắc của chị Dung chưa được làm rõ thì cuối năm 2007, UBND quận 10 ra quyết định thu hồi và hủy bỏ hai giấy chủ quyền đã cấp cho căn nhà. Quyết định cũng cho rằng sẽ xem xét cấp lại một giấy chủ quyền khác theo qui định.
UBND quận 10 giao cho UBND phường 15 tổ chức thu hồi hai giấy chủ quyền. Tuy nhiên theo UBND phường 15, đến nay phường chưa thu hồi được giấy nào. Lý do là cả hai người giữ giấy đều cho rằng giấy của mình được quận cấp hợp pháp, không sai qui định.
Sai sót ở khâu nào?
Ông Nguyễn Việt Long, phó chủ tịch UBND phường 15, nói nếu không có khiếu nại của những người liên quan thì phường cũng không biết. Theo ông Long, giấy chủ quyền trước là cấp theo kế hoạch, còn giấy chủ quyền sau cấp theo nhu cầu. Hiện phường không còn lưu giữ cả hai hồ sơ này nên không biết cán bộ nào đã xác nhận vào hồ sơ, nội dung xác nhận ra sao. Đây là thiếu sót của phường.
Theo giải thích của Phòng Tài nguyên - môi trường quận 10, giấy chủ quyền cấp trước làm theo kế hoạch nên quận trực tiếp xuống các phường nhận hồ sơ, sau đó mang về quận thụ lý; giấy tờ trong hồ sơ này đều là bản sao, không yêu cầu phải nộp bản chính. Còn với giấy chủ quyền cấp sau làm theo nhu cầu, tức người dân nộp trực tiếp tại quận và phải nộp bản chính. Cũng theo giải thích của Phòng Tài nguyên - môi trường quận, khi đang thụ lý hồ sơ cấp theo nhu cầu thì hồ sơ cấp theo kế hoạch chưa hoàn tất nên chưa cập nhật, kiểm tra đối chiếu được.
Trưởng phòng tài nguyên - môi trường một quận cho rằng mỗi nền đất chỉ có một số thửa, một tờ bản đồ, do vậy khó có chuyện một thửa được cấp đến hai giấy chủ quyền. Nếu có lưu trữ hồ sơ thì chỉ cần đối chiếu là phát hiện ngay. Do vậy, việc cấp trùng giấy chủ quyền nhiều khả năng là cơ quan đó không lưu trữ hồ sơ hoặc có lưu trữ nhưng khâu kiểm tra không chặt chẽ nên không phát hiện.
Cán bộ này nói với vụ việc trên may mắn là phát hiện sớm, nếu không sẽ phát sinh nhiều chuyện khó xử sau này khi hai người có hai giấy chủ quyền cùng đem thế chấp để vay tiền hoặc bán nhà...
Sẽ còn lắm rắc rối
Theo Phòng Tài nguyên - môi trường quận 10, việc thu hồi và hủy bỏ hai giấy chủ quyền căn cứ theo nghị định 84 của Chính phủ. Sau khi thu hồi hai giấy chủ quyền, quận sẽ cấp lại cho chủ sở hữu một giấy chủ quyền mới.
Theo chúng tôi được biết, qui trình cấp giấy chủ quyền nói trên hiện không còn áp dụng. Như vậy để cấp giấy chủ quyền mới, chủ sở hữu nhà phải làm lại từ đầu theo qui trình của nghị định 90 và có thể thời gian cấp giấy sẽ kéo dài hơn do phải vẽ lại bản vẽ, bổ túc hồ sơ. Chưa kể nay cấp lại giấy chủ quyền mới, mức thuế sẽ tính ra sao, theo giá đất thời điểm của năm 2003 hay tính theo thời điểm cấp giấy?