Quang cảnh đại lộ Đông Tây. |
Các dự án lớn trong TPHCM, đặc biệt các dự án đầu tư thương mại vào công trình cao ốc, khu phức hợp... thường do các đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện thiết kế kiến trúc.
Trong suốt quá trình thiết kế, phía đơn vị tư vấn nước ngoài chủ yếu cung cấp ý tưởng, còn lại, kết hợp các đơn vị tư vấn trong nước triển khai và tổ chức giám sát tác giả.
Cụ thể, TPHCM mời các nhà tư vấn quy hoạch nước ngoài, như S.O.M cho Nam Sài Gòn, Sasaki cho Thủ Thiêm, Nikken Sekki cho khu TT hiện hữu TPHCM và Hiệp Phước, Cty GS E&C (Hàn Quốc) cho tuyến vành đai ngoài Bình Lợi - Tân Sơn Nhất, khu ĐT Tây Bắc giao cho công ty tư vấn Anh thiết kế.
Lép vế vì yếu thế
Gần đây, nhiều đơn vị tư vấn trong nước đã tham gia các cuộc thi tuyển kiến trúc và một số đơn vị giành giải cao. Điều này cho thấy KTS trong nước hoàn toàn không thua kém KTS nước ngoài về ý tưởng. Vậy mà trong việc lựa chọn nhà thiết kế cho các dự án lớn, các KTS trong nước vẫn thường bị lép vế.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hoà giải thích: Ta còn thua kém ở bộ máy tổ chức, cách thức và điều kiện làm việc, chưa có kinh nghiệm hợp tác, ít nối kết trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị, vật liệu. Nhưng có nhiều trường hợp thua là do tình trạng chủ đầu tư Việt chuộng ngoại mà không nhận ra cái tình, cái hợp lý có thể có trong bản thiết kế nội khác. Điều này dẫn đến hệ lụy du nhập vào nước ta thứ kiến trúc có chất lượng hạng “thứ”, và còn nhiều quan hệ “lobby” trong các mối quan hệ hành nghề, khiến môi trường hành nghề thiếu lành mạnh.
KTS Văn Tấn Hoàng nhìn nhận: Hoạt động nghề nghiệp của KTS VN không chuyên sâu, do hạn chế của quá trình đào tạo, dẫn đến bị thiếu tính cạnh tranh. Mặt khác, KTS chưa được pháp luật bảo vệ chính đáng và hợp lý, dẫn đến việc tự bơi trong “bể” pháp lý của từng địa phương, từng lĩnh vực mà KTS tham gia thiết kế XD, sẽ dẫn đến bệnh thoả hiệp, cầu an để được nhận công trình bằng mọi giá. Đồng thời, KTS hoạt động thiếu sự hỗ trợ của luật sư, chuyên gia pháp lý, đôi khi dẫn đến sai luật mà không biết.
Thua thiệt trong cạnh tranh
Hơn thế nữa, mặt bằng thiết kế phí trong nước thấp hơn rất nhiều so với thiết kế chi trả cho KTS ngoại hành nghề ở VN. KTS Lương Anh Dũng khẳng định: Họ có “tiếng”, có “miếng”, còn KTS VN thì “cày cuốc” làm thuê giá rẻ. Thường thì nhiều KTS, hãng thiết kế ngoại không có tiếng tăm ở nước họ, nhưng đến VN thì có mác “chuyên gia nước ngoài”, nhận nhiều công trình lớn, song không để lại một dấu ấn KT nào cho VN.
Các dự án nước ngoài đầu tư thì KTS nội chỉ “kính nhi viễn chi” đứng xa mà ngó, vì đó là sân chơi của VIP. KTS Nguyễn Ngọc Dũng than phiền: KTS mác ngoại vào hành nghề ở VN sao dễ dàng quá! Họ mở văn phòng từ Nam chí Bắc. Trong khi đó, ở các nước, Hội KTS lại là nơi được cấp giấy phép hành nghề. Họ yêu cầu KTS ngoại phải học lại, thi lấy bằng và phải có vài năm thâm niên thực tập, mới được hành nghề tại xứ sở họ. Với những thị phần bị bao vây, KTS nội trở thành thợ vẽ lang thang, vẽ thuê cho ông chủ nhà nước, các đại gia mới nổi với thị hiếu “trăm hoa đua nở”, cho ông chủ nước ngoài với tiền công rẻ mạt.
Vẫn còn tình trạng bị lợi dụng chất xám qua hình thức chọn phương án không có phí để rồi bị trả giá, sử dụng ý tưởng miễn phí. Trong đấu giá thiết kế, công trình vốn ngân sách là sân chơi của các ông chủ nhà nước, công ty thế lực, không phải là đất dụng võ cho KTS có công trình thực sự.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động