Mỗi phường một khu phố không xây trái phép

Cập nhật 27/09/2009 09:20

Khu phố 1 phường Phú Thạnh là một trong ba khu phố được chọn để thí điểm không có vi phạm xây dựng. (Ảnh chụp chiều 26-9) Ảnh: HTD

Từ đầu tháng 7-2009, quận Tân Phú (TP.HCM) đề ra chiến dịch thí điểm mỗi phường một khu phố không có vi phạm xây dựng. Phường sẽ chọn khu phố nào có nhà nhiều, nhà chưa có chủ quyền để thí điểm.

11 phường đã hưởng ứng chiến dịch này.

Chẩn bệnh xây trái phép

Ông Lâm Quang Thơ, Chánh thanh tra xây dựng quận Tân Phú, thổ lộ: “Tôi xuống phường, hỏi bà con có hiểu về giấy phép xây dựng không, hiểu bản vẽ xây dựng không... thì hầu như mọi người đều không biết. Họ hỏi những câu rất thật: “Tôi xây thêm cái phòng trên ban công được không? Thay đổi cái này, cái kia so với bản vẽ có sao không...”. Những việc dân hỏi là vi phạm, nếu không giải thích thì bà con không nắm. Đến khi họ làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, bị cơ quan có thẩm quyền ách hồ sơ lại, lúc đó mới hay mình vi phạm trong xây dựng, vậy tại sao mình không hướng dẫn họ đừng làm như vậy!”.

Ông Thơ còn chỉ thêm: “Nhà thầu cũng góp tay vào việc xây nhà trái phép vì khi thi công họ xui chủ nhà làm thêm cái này, thay đổi nội dung kia. Phổ biến nhất là vi phạm chỉ giới, lộ giới, xây phòng trên ban công, mở cửa ra hẻm. Người dân cứ nghĩ không sao, đến khi làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu không được, họ bỏ mặc cho chủ nhà xoay sở...”.

Chẩn đoán được lý do vì sao có bệnh xây nhà trái phép, quận Tân Phú kê toa bằng hàng loạt biện pháp: thí điểm mỗi phường không có vi phạm xây dựng; cung cấp các quy định liên quan đến xây dựng cho bà con, nhà thầu nắm...

Và bắt tay kê toa

Theo ông Lâm Quang Thơ, quận đã ra một quy trình để quản lý giấy phép xây dựng, trong đó chủ nhà và nhà thầu được chăm sóc rất kỹ từ khi cấp giấy phép đến khi hoàn tất. Theo đó, mỗi tuần UBND phường sẽ có một đến hai buổi làm việc với chủ nhà, nhà thầu để phổ biến, nhắc nhở quy định về cấp phép, điều chỉnh và những lỗi vi phạm thường gặp trong xây dựng. Cán bộ sẽ cảnh báo với nhà thầu là không được xúi chủ nhà làm sai.

Đến khi công trình được cấp phép xây dựng, chủ nhà và nhà thầu thi công sẽ được mời đến phường để nghe hướng dẫn lần nữa. “Chỉ cho họ văn bản luật này nọ, chưa chắc người ta đã chịu xem hoặc xem không hiểu. Nhưng khi mình phân tích thì họ rất thấm. Chỉ cần hỏi bà con: Có muốn nhà xây nửa chừng mà bị đình chỉ, bị phạt mấy chục triệu đồng; nhà xây xong mà không được hoàn công, thậm chí tháo dỡ vì làm liều hay không? Họ ngán ngay” - ông Thơ cười tiết lộ.

Để nặng ký hơn, tại buổi làm việc nói trên, cán bộ sẽ lập biên bản, yêu cầu các bên tham gia ký vào đó và phát cho chủ đầu tư một bản để họ nhớ mà thực hiện. Ra về, chủ nhà còn được “khuyến mãi” một quyển tài liệu về nghĩa vụ, trách nhiệm, vi phạm và hình thức xử phạt trong lĩnh vực xây dựng theo các quy định pháp luật hiện hành. “Nếu mời mà họ không đến, thanh tra xây dựng phải xuống tận công trình để tuyên truyền, gửi tài liệu và lập biên bản ghi nhận”.

Trong khi xây, thanh tra của quận hoặc phường còn xuống nhắc tiếp, giao thêm những quy định cấm trong xây dựng cho chủ nhà. “Đã nhiều lần nghe hướng dẫn, có giấy trắng mực đen làm bằng chứng, bên vi phạm xây dựng không thể vịn lý do rằng không biết, vô ý. Khi đó mình phạt nặng thì họ mới ngán” - ông Thơ nhấn mạnh.

Toa thuốc này còn áp dụng cho bệnh sửa chữa lại nhà vì thực tế đã có trường hợp đơn thì xin sửa chữa nhưng sau đó là xây mới hoàn toàn. Quận lập quy trình với loại này bằng cách lưu giữ đơn, giấy tờ nhà, ảnh chụp công trình trước khi sửa chữa để đối chiếu với công trình xin sửa chữa trong nội dung đăng ký.

“Có quy trình rõ ràng cũng giúp thanh tra xây dựng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thanh tra của mình. Nếu để xảy ra vi phạm, sai sót, cấp trên có chỗ mà quy trách nhiệm” - ông Thơ nói thêm.

Thí điểm để nhân rộng

“Chúng tôi không chọn những khu phố đã ổn định mà chọn những nơi còn lộn xộn, chưa ổn định để thí điểm. Chọn những nơi này thì mới có nhiều thứ để rút kinh nghiệm” - ông Thơ nói.

Chương trình thí điểm sẽ được sơ kết vào đầu năm 2010 để đánh giá. “Vì thực tình mà nói, chúng tôi không muốn phải xử phạt về hành vi xây dựng không phép, sai phép của người dân” - ông Thơ cho biết.

Chưa biết hiệu quả của chương trình thế nào nhưng trong cuộc họp giao ban với các quận, huyện mới đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn đã đánh giá mô hình của quận Tân Phú là rất tốt. Ông Nhạn cho biết sẽ nhân rộng thí điểm của quận Tân Phú ra quận 4 để có đánh giá tổng thể hơn.
 

Theo thống kê của quận Tân Phú, khu phố 1 của phường Sơn Kỳ có tới hơn 1.500 căn nhà thì có đến gần một nửa chưa có chủ quyền. Khu phố 3 của phường Phú Thọ Hòa cũng gần 1.500 căn nhà cần quản lý. Còn khu phố 1 của phường Phú Thạnh cũng hơn 1.500 căn nhà nhưng cũng có gần 300 căn chưa có chủ quyền. Các khu phố này được chọn để làm thí điểm chiến dịch.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP