Diện tích nhà ở bình quân đầu người của cả nước là 18,6 mét vuông. |
Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là các vùng có tỷ lệ hộ không có nhà ở cao nhất Thông tin trên nằm trong báo cáo kết quả suy rộng mẫu của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009, được Tổng cục Thống kê công bố ngày 31/12.
Theo báo cáo, khu vực có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao nhất nước là Đông Nam Bộ (22 m2) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (15,3 m2).
Đáng chú ý, báo cáo cho biết cứ 2.000 hộ thì có 1 hộ không có nhà ở. Hộ không có nhà ở được hiểu là không có chỗ ở, hoặc không đáp ứng được 1 trong 3 điều kiện: có diện tích sàn tối thiểu 4 mét vuông; tường cao ít nhất 2 mét; có cấu trúc riêng biệt và độc lập.
Theo kết quả điều tra, Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ hộ không có nhà ở thấp nhất. Trong khi đó, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là các vùng có tỷ lệ này cao nhất.
Trong những hộ có nhà ở, số hộ có nhà kiên cố chiếm 47%; nhà bán kiên cố chiếm 37,8%; nhà thiếu kiên cố chiếm 7,8%; và nhà đơn sơ chiếm 7,4%. Nhà đơn sơ tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tỷ lệ 22%); thấp nhất là đồng bằng sông Hồng (0,2%).
Về hình thức sở hữu nhà ở, nhà riêng chiếm 93%; nhà thuê hoặc mượn của tư nhân chiếm 6,4%; các hình thức sở hữu khác đều không đáng kể.
Có 6% nhà được sử dụng từ trước năm 1975; 45% sử dụng từ thời gian 1975-1999; và 49% nhà được sử dụng từ năm 2000 đến nay. So với tổng điều tra năm 1999, số liệu lần này phản ánh tốc độ xây dựng nhà ở ngày càng nhanh, với số lượng và chất lượng ngày càng cao, báo cáo khẳng định.
Về tiện nghi sinh hoạt, có 87% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 54% số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh; 96% sử dụng điện lưới để thắp sáng; 87% hộ có tivi; và 46% hộ có điện thoại cố định. Mức độ phổ biến ở khu vực nông thôn chỉ bằng 45% đến 58% so với khu vực thành thị.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy