Không có lương cố định, nghề nghiệp chưa được coi trọng, bảo vệ, để tồn tại, nhiều môi giới bất động sản phải tìm đủ mọi cách để cạnh tranh, kể cả bằng các hành động thiếu minh bạch và tự biến mình thành “cò đất” như chị bán vịt lộn, bà bán nước…
Tỷ lệ hoa hồng cao và hoạt động trong môi trường cạnh tranh không lành mạnh khiến nhiều môi giới biến chất
|
Một môi giới chuyên nghiệp trong ngành bất động sản nói vui với phóng viên rằng, môi giới bây giờ không “chiến” với môi giới, mà phải “chiến” với chị bán trứng vịt lộn, bà hàng nước, bác xe ôm và anh bảo vệ, thậm chí ngay cả chị giúp việc - những “cò đất”.
Do thu nhập từ tiền hoa hồng lớn, cùng sự bùng phát nhu cầu trong giao dịch bất động sản, từ cao cấp đến bình dân, từ nhà ở, biệt thự nghỉ dưỡng, từ căn hộ, tới nhà phố, đã khiến cho nghề môi giới trong mắt nhiều người trở thành “nghề hái ra tiền”, tạo nên tâm lý “tội gì không thử”.
Những môi giới theo kiểu bán chuyên này không cần kiến thức, không cần bằng cấp, nhưng vẫn lao vào thị trường và dần biến tướng thành các “cò đất” thứ thiệt, sẵn sàng làm mọi việc chỉ để bán được hàng cho người mua nhà, mà không hề quan tâm tới những hậu quả để lại đằng sau đó.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc số lượng môi giới gia tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua là một tín hiệu mừng, cho thấy sự sôi động của thị trường tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong số đó cũng không ít các “cò đất” cũng xuất hiện và cạnh tranh với các môi giới thứ thiệt.
Trong đó, dễ thấy nhất là việc các “cò đất” tự tạo ra các trang tin bán hàng dưới mác là đại diện phân phối độc quyền cho dự án của chủ đầu tư, nhưng lại cung cấp sai thông tin, thậm chí đôi khi lập ra một kiểu, nhưng khi khách hàng tìm đến lại giới thiệu một kiểu, thiếu chính xác, làm cho cả người và người bán đều bị thiệt hại. Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm, bởi việc để “cò đất” thông tin như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của các chủ đầu tư, cũng như làm suy giảm niềm tin của khách hàng đối với các môi giới hoạt động chân chính. Trong khi đó, đây lại là hoạt động có vai trò rất quan trọng nếu muốn thị trường bất động sản phát triển lên chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, các giao dịch bất động sản không hề đơn giản, chưa nói đến thủ tục pháp lý, ngay khi muốn bán, không phải cứ rao là có thể kết nối được với người mua. Người môi giới phải là người thực sự có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và đặc biệt là giữ được phẩm chất đạo đức thì mới có thể giúp người mua tìm được chính xác những căn hộ mà mình mong muốn, cũng như giúp chủ đầu tư tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Tân Hoàng Minh cho biết, phát triển một dự án bất động sản thành công phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ quy hoạch, thiết kế, hoàn thiện giấy tờ thủ tục pháp lý, thi công... Nếu kiêm nhiệm thêm cả hoạt động bán hàng sẽ không thể thực hiện nổi, bởi khâu này đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn, do đó, giải pháp khả thi là tìm kiếm đơn vị phân phối các sản phẩm cho mình.
Tuy nhiên, không phải đơn vị phân phối nào cũng được lựa chọn để hợp tác, mà phải lựa chọn các đơn vị có đội ngũ chuyên nghiệp, mới đảm bảo cho các sản phẩm của mình ra thị trường được đón nhận một cách rộng rãi, cũng như đảm bảo được uy tín của chủ đầu tư trong việc phát triển các dự án.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 đã có nhiều quy định pháp lý mới nhằm chuẩn hóa hoạt động môi giới bất động sản, giúp cho nghiệp vụ này trở nên chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc chuẩn hóa chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, khiến cho cái nhìn của thị trường về nghề môi giới ở góc độ nào đó vẫn còn nhiều lo ngại.
Do đó, ngoài việc các cơ quan quản lý cần tiếp tục siết chặt hoạt động giám sát và nâng cao việc kiểm soát thông qua công tác đào tạo và thi sát hạch chứng chỉ hành nghề môi giới, thì bản thân mỗi sàn giao dịch, mỗi môi giới viên cần ý thức hơn về trách nhiệm, đạo đức với nghề, để giúp nghề môi giới trở thành một nghề chân chính, phải được tôn trọng và phát triển đúng với nhu cầu thiết yếu của xã hội, tránh mai một theo thời gian vì một số doanh nghiệp làm ăn chộp giật.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản