Sau thời gian "giải nghệ" vì thị trường khủng hoảng, nhiều nhân viên môi giới bất động sản nay quay lại, khiến lực lượng nhân sự làm công việc này tại nhiều sàn giao dịch đang gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối tuần vừa rồi, vợ chồng anh Quang (Đống Đa, Hà Nội) đến thăm một vài dự án chung cư để cân nhắc mua. Đến dự án nào cũng vậy, chỉ cần vừa đỗ xe thì đã có 5-7 nhân viên môi giới xúm lại hỏi: "Anh chị cần mua loại căn hộ bao nhiêu m2?", "Anh chị cứ đỗ xe lại em tư vấn cho chi tiết, giá ưu đãi nhất"... Trước khi nổ máy xe đi tiếp, những nhân viên này còn kịp dúi vào tay anh Quang một mớ tờ rơi quảng cáo dự án cũng như thông tin liên lạc với môi giới.
Những cảnh tượng như vậy không còn lạ lẫm tại nhiều dự án bất động sản đang mở bán vài tháng gần đây. Khác xa những gì khách hàng được chứng kiến cách đây hơn một năm, khi họ thường trực tiếp mua căn hộ từ chủ đầu tư.
Số lượng nhân viên môi giới bất động sản tăng mạnh trong năm qua. Ảnh minh họa: NT
|
Anh Hoàn, nhân viên môi giới một sàn bất động sản lớn mới quay lại nghề được nửa năm nay. Anh từng làm công việc này từ 2007. Được 4 năm, thị trường khủng hoảng, công ty cắt giảm nhân sự nên anh chuyển sang làm nhân viên kinh doanh cho một công ty mỹ phẩm. Từ đầu năm nay, khi thị trường tốt hơn, những người quen cũ của anh quay lại nghề môi giới, gọi về làm cùng nên anh Hoàn bỏ công việc đang làm.
"Làm môi giới bất động sản tuy khá vất vả nhưng vào thời điểm thị trường tốt, giao dịch nhiều thì thu nhập vẫn tốt hơn. Đó là chưa kể, nếu có khả năng đầu tư thì cơ hội tăng thu nhập còn lớn hơn", anh Hoàn cho hay.
Hai vợ chồng chị Quỳnh cũng từng bỏ nghề môi giới năm 2012 khi thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên gần đây, khi thị trường sôi động hơn, cả 2 vợ chồng chị lại quyết định đầu quân cho một sàn bất động sản. Lý do chính là mức thu nhập cao hơn so với công việc hiện tại.
"Mỗi tháng chỉ cần được một giao dịch căn hộ chung cư là thu nhập đã cao hơn công việc hành chính tôi đang làm. Trong khi đó, nhờ kinh nghiệm và một số dữ liệu, quan hệ sẵn có thì tôi cũng thuận lợi hơn khi quay lại với công việc môi giới", chị Quỳnh lý giải.
Trong năm qua, các sàn bất động sản liên tục tuyển dụng nhân viên môi giới cũng như các cộng tác viên bán hàng. Bên cạnh những người mới vào nghề thì một phần không nhỏ là những môi giới trước đây đã từng làm công việc này. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CenGroup cho biết hiện nhân viên môi giới tại đơn vị này cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 3.000 nhân sự). Tại sàn Sàn bất động sản EZ Property, số lượng nhân sự vị trí này hiện cũng gấp 3 so với cùng kỳ.
Tại buổi mở bán gần đây của nhiều dự án có vị trí ở Hà Nội cũng như TP HCM hoặc các địa phương khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vĩnh Phúc..., số môi giới luôn khá đông đảo, thậm chí nhiều hơn cả khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property cho hay, về cơ bản, nghề môi giới bất động sản vào thời điểm thị trường tốt thì nhu cầu tăng, yêu cầu tuyển dụng cũng không quá khắt khe nên số lượng ứng viên luôn lớn.
"Tiêu chí về bằng cấp không quá bị đặt nặng mà quan trọng nhất vẫn là có bán được hàng hay không. Vì thế, tuy tuyển dụng số lượng lớn nhưng không phải tất cả đều trụ lại được với nghề vì không đạt doanh thu. Do đó, ở các sàn, liên tục có nhân sự được tuyển vào cũng như người bị sa thải", ông Toản cho hay.
Đánh giá về chất lượng nhân sự kinh doanh bất động sản, ông Hưng cho rằng còn rất yếu. Do đó, các sàn thường phải liên tục nhận hồ sơ và tổ chức tuyển dụng. "Tuy không đòi hỏi trình độ quá cao, nhưng những người làm môi giới bất động sản phải có các kỹ năng mềm tốt. Người mới vào nghề phải mất thời gian dài mới tích lũy được điều đó nên những nhân sự có kinh nghiệm vẫn thường có ưu thế hơn", ông Hưng lý giải.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress