Môi giới BĐS Hải Phòng : Không muốn làm... cò !

Cập nhật 06/11/2009 09:20

Hiệp hội BĐS thành phố Hải Phòng vừa tổ chức một hội thảo với tên gọi “Hoạt động môi giới BĐS”. Nội dung của hội thảo bàn giải pháp vận hành lực lượng “lao động chính” của hiệp hội - các nhà môi giới - một cách chuyên nghiệp và đạo đức.

Luật Kinh doanh BĐS được Quốc hội phê chuẩn ngày 29/6/2006 dành Mục 1 của Chương 4 với 7 điều (từ điều 44 đến điều 50) để quy định về loại hình dịch vụ Môi giới BĐS. Tựu trung, Luật quy định những tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải đáp ứng các điều kiện sau: phải thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh BĐS, đồng thời phải có thành viên có chứng chỉ môi giới BĐS. Cá nhân người làm nghề môi giới BĐS buộc phải có chứng chỉ môi giới BĐS thì mới được hành nghề. Và trong hoạt động, doanh nghiệp, nhà môi giới phải chấp hành một loạt yêu cầu khác của pháp luật, do luật quy định, là: phải công khai, trung thực và tuân thủ pháp luật.

Không chuyên nghiệp !

Các quy định được xác lập, ban hành để tạo ra các nhà môi giới BĐS chuyên nghiệp, đáng tin cậy. Nhưng với Hải Phòng, mục đích “chuyên nghiệp, tin cậy” ấy còn lâu mới đạt được. Cách đây chừng hơn 1 tháng, Sở Xây dựng của thành phố mới bắt đầu cấp chứng chỉ Môi giới BĐS. Còn trước đó, chứng chỉ môi giới của các nhà môi giới của Hải Phòng được cấp bởi tỉnh khác. Về số lượng, theo một thành viên của Hiệp hội BĐS Hải Phòng, tới nay thành phố có khoảng 500 người hành nghề môi giới. Trong đó, có khoảng 200 người kiếm sống bằng nghề môi giới BĐS. 300 người còn lại chỉ coi nghề này là thu nhập phụ. Nghề chính của những người này là xe ôm, nghỉ hưu, bán quán... Với số lượng ấy, nhưng chất lượng dịch vụ môi giới BĐS của Hải Phòng khó có thể nói là cao.

Ngoài Sàn giao dịch BĐS của Cty CP Xây lắp thương mại nhúc nhắc kiếm được trên dưới chục hợp đồng môi giới mỗi tháng, thì các sàn giao dịch khác gần như không còn tiến hành các hợp đồng môi giới. Lý do đơn giản vì hợp đồng không cần thiết. “Chẳng ai giám sát được chúng tôi giao dịch với nhau, nên thỏa thuận... miệng là đủ, thêm hợp đồng chỉ tổ rắc rối với các điều khoản ràng buộc và đủ thứ quy định” – một chủ sàn giao dịch BĐS nói thế. Ông này không quên “bổ sung” thông tin, rằng vì tâm lý khách hàng muốn khảo giá trước khi mua, nên họ hay tìm tới nhiều văn phòng môi giới nhà đất. Do vậy, “tình hình” chung là nhiều khi chỉ có một nhu cầu mua, hoặc bán, nhưng có nhiều người cùng tham gia môi giới. Đương nhiên, chuyện cạnh tranh không lành mạnh giữa chính những người môi giới cũng từ đó mà ra. Và thực tế ấy càng làm giảm tính chuyên nghiệp, tin cậy của người dân với những người hành nghề dịch vụ môi giới.

Sôi động nhờ... cò !

Một giám đốc DN kinh doanh BĐS của Hải Phòng nhận xét, thị trường BĐS của thành phố đang có dấu hiệu ấm lên. Thể hiện bằng ước tính lượng giao dịch tăng khoảng 20%, sự nở rộ của các sàn giao dịch, văn phòng môi giới và đội ngũ người môi giới. Nhưng thực tế có thể không hoàn toàn như vậy. Theo ông Nguyễn Quang Văn, chủ một sàn giao dịch BĐS thì rất khó ước lượng số giao dịch BĐS trong thời gian qua tại Hải Phòng. Lý do không chỉ vì có quá nhiều giao dịch được thực hiện không thông qua các sàn BĐS, các văn phòng môi giới... Mà còn vì sự náo nhiệt của các văn phòng ấy hay số lượng các nhà môi giới tăng lên chỉ phản ánh chiều hướng phát triển của thị trường đang vận động theo hướng dần chuyên nghiệp hơn là phản ánh sự gia tăng giao dịch.

Số lượng người tham gia môi giới BĐS quy tụ về các sàn giao dịch, văn phòng môi giới thay vì tản mát như trước - đã giúp hoạt động của các văn phòng có chiều hướng sôi động hơn. Sự cạnh tranh giữa các văn phòng và bản thân những người môi giới đã giúp hoạt động của thị trường có vẻ sôi động hơn nhưng tác động tới số lượng giao dịch khó có thể nói là lớn. Lý do vì thị trường BĐS của Hải Phòng không chịu sức ép của sự gia tăng dân số cơ học và thiếu sự xuất hiện của những sản phẩm BĐS có sức hút lớn như nhà chung cư, nhà phố chỉnh trang, cải tạo, xây mới, nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội... Do vậy, mọi nỗ lực hoạt động của dịch vụ môi giới vẫn xoay quanh các sản phẩm BĐS “truyền thống” như đất phân lô, biệt thự, nhà trong khu dân cư cũ.

Cho đến nay, Hải Phòng đã có đủ các mô hình Hiệp hội BĐS, doanh nghiệp kinh doanh BĐS và dịch vụ đi kèm, thành phố có khoảng 6 văn phòng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ BĐS và khoảng hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh BĐS mở sàn giao dịch có khai thác các dịch vụ đi kèm như môi giới, định giá... Đến nay, thành phố đã cấp khoảng 90 chứng chỉ môi giới và 30 chứng chỉ định giá. Hoạt động môi giới đã sôi động hơn nhưng không vì thế chất lượng tăng. Vì việc hành nghề môi giới vẫn mang nặng tính tự phát và rất thiếu chuyên nghiệp. Không ít nhà môi giới còn nhân cơ hội của khác hàng đem lại để kênh giá BĐS dù đã được hưởng hoa hồng. Và đó là lý do mà uy tín của các nhà môi giới BĐS đối với khách hàng không được cao, không đáp ứng yêu cầu: công khai, trung thực và tuân thủ pháp luật do pháp luật quy định.

Theo ông Lưu Thanh Tăng - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng, những vấn đề của việc vận hành dịch vụ môi giới BĐS của thành phố thực ra đã vượt ra khỏi khung khổ các quy định hiện hành áp dụng với hoạt động ấy. Vì rất khó để chứng minh, tìm được chính xác căn nguyên của các mâu thuẫn trong hoạt động môi giới. Từ đó mà việc quy trách nhiệm, xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các nhà môi giới là rất khó khi áp dụng thực tế. Do vậy, định hướng chung trong thời gian tới của Hội là nâng cao khả năng thông tin, phối hợp hoạt động giữa các doanh nghiệp, văn phòng và các cá nhân hoạt động dịch vụ môi giới. “Mục đích chung phải là chuyên nghiệp hóa hoạt động này. Chỉ có thế mới tạo được những nhà môi giới chuyên nghiệp, thay vì chỉ khoác được cho cò đất tấm áo nhà môi giới BĐS” – ông Tăng nói.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp