Dịch bệnh tái bùng phát khiến cho kế hoạch của không ít doanh nghiệp địa ốc phải thay đổi. Nhiều nhân viên môi giới vừa trở lại buộc phải thất nghiệp thêm lần nữa.
Lãnh đạo và nhân viên sale của một công ty môi giới bất động sản
Thị trường bất động sản bùng nổ thời gian qua tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ. Nghề “sale” bất động sản mang lại thu nhập vô cùng hấp dẫn cho nhiều người. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và việc thị trường đi xuống khiến không ít nhân viên “sale” phải thất nghiệp hoặc chuyển nghề.
Sau Tết Nguyên đán, thị trường địa ốc đối mặt với thách thức mới mang tên dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch lẫn chiến lược do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, không ít nhân viên “sale” thất nghiệp vì doanh nghiệp cắt giảm nhân sự. Nhiều nhân viên phải chuyển nghề khác hoặc cố gắng ngồi chờ thời quay lại.
Khi dịch bệnh được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp ngay lập tức bung hàng và hoạt động bán hàng trở lại. Nhiều nhân viên “sale” được quay lại với nghề nghiệp. Hiện nay thị trường khu Đông, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút nhiều nhân viên “sale” tham gia khi có nhiều dự án lớn.
Thế nhưng, dịch bệnh tái bùng phát lần nữa đang khiến cho doanh nghiệp lẫn nhân viên bán hàng như ngồi trên “đống lửa”. Một số doanh nghiệp đã quay lại trạng thái cắt giảm nhân viên bán hàng. Thái Văn Tùng (ngụ quận 9, TPHCM), nhân viên bán hàng tại một doanh nghiệp bất động sản cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid 19 hiện nay vẫn còn rất lớn đối với thị trường địa ốc. Nhiều đồng nghiệp “sale” vừa trở lại đang phải đối mặt tiếp tục bị thất nghiệp.
“Do ảnh hưởng của dịch nên lượng giao dịch đã giảm, vì vậy công ty buộc phải cắt giảm bớt nhân viên bán hàng. Trước kia công ty đến gần 30 bạn “sale”, khi dịch bùng phát công ty chỉ giữ nổi khoảng 10 người. Vừa mới trở lại, công ty đã tuyển lại một số bạn cũ nhưng dịch tái bùng phát lần nữa…, nguy cơ nhiều bạn phải tiếp tục thất nghiệp”, Tùng chia sẻ.
Tương tự, chị Hà Vân (ngụ quận 8), nhân viên “sale” căn hộ cũng lâm vào tình cảnh phải tìm kiếm công việc khác vì dịch bệnh tái bùng phát. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, Vân đã quay lại với công việc và tìm kiếm nguồn khách hàng. Tuy nhiên, thị trường vốn khó khăn khi nhà đầu tư vẫn còn thận trọng, dịch bệnh tái bùng phát buộc Vân phải chuyển nghề.
“Đã cố gắng cầm cự qua dịch để trở lại với công việc. Nhưng, dịch bệnh bùng phát trở lại đã làm nhiều thứ thay đổi. Không thể nào ngồi đợi dịch kết thúc được, tôi đang chuyển qua làm “sale” nội thất. Nếu đến cuối năm mọi thứ ổn định và thị trường tốt lên tôi sẽ quay lại với nghề”, Vân ngậm ngùi nói.
Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính hết tháng 7/2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, bao gồm 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 41,5%), 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 12,2%), 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,5%). Lĩnh vực gặp phải khó khăn và tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm ngưng kinh doanh tăng cao thuộc về bất động sản với 927 doanh nghiệp, tăng 98,5%.
Nhiều cò đất bổng dưng "ế việc" vì... dịch bệnh
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), ảnh hưởng của dịch bệnh đến tháng 4/2020 đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp.
Đến hết quý 1/2020, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng. Nhiều nhân viên môi giới phải chuyển sang công việc khác hoặc tạm ngưng làm việc
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí