“Mổ xẻ” rủi, may trên thị trường địa ốc (phần 2)

Cập nhật 05/12/2007 08:00

Với sự tham gia của các tập đoàn tài chính nước ngoài, thị trường bất động sản Việt Nam có cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư lớn đổ vào thị trường. Hiện nay, tại Việt Nam, đang có 13 quỹ đầu tư quốc tế đang hoạt động. Các ngân hàng thương mại cũng đang đẩy mạnh hoạt động cho vay thế chấp.

Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít

Cục trưởng Cục Quản lí nhà, còn nhận định thêm rằng cơ hội không ít nhưng rủi ro cho nhà đầu tư và thách thức để thị trường bất động sản phát triển ổn định cũng rất nhiều.

 Dù rằng hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, song xét về góc độ hình thành thì bất động sản vẫn là thị trường còn rất non trẻ ở Việt Nam.

Chính vì mới hình thành (chỉ vài năm gần đây) nên các hoạt động của thị trường còn thiếu tính chuyên nghiệp vì vậy mới xảy ra những vấn đề như giá cả tăng nhanh chóng nhưng chỉ ở từng khu vực, thị trường nóng lạnh thất thường.

 Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là vì hệ thống chính sách, người tham gia thị trường còn thiếu hẳn sự chuyên nghiệp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản trong nước phần lớn lại là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu vốn, yếu kém về kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực bất động sản. Hệ thống chính sách, thủ tục đầu tư vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều chỗ chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, không sát với tình hình thực tế.

Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam gặp nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian để thích nghi với môi trường đầu tư. Vì vậy, thời gian qua, tiến độ đầu tư các dự án trên thị trường chậm chạp.

Thị trường phát triển nhanh nhưng nguồn lực phục vụ cho thị trường bất động sản lại thiếu trầm trọng cả về người có kinh nghiệm chuyên môn lẫn nguồn lực tư vấn, môi giới.

Yếu kém nhiều mặt, vì thế, khi đi vào hoạt động theo cơ chế thị trường, thị trường bất động sản dễ bị ảnh hưởng và chịu sự tác động của các nguyên nhân bên ngoài thị trường dẫn đến thị trường thiếu sự ổn định luôn biến động.

Một nguyên nhân và cũng xem là sự thách thức đối với thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là thị trường thiếu tính minh bạch, thiếu thông tin chính xác.

Đây là nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh trong thị trường bất động sản dễ gặp các rủi ro do mọi người không tiếp cận được với những luồng thông tin xác thực của thị trường. Vấn đề công khai thông tin quy hoạch chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ.

Không chỉ vậy, mặc dù thị trường bất động sản đang dần đi vào nguồn cơ chế thị trường tuy nhiên những người tham gia giao dịch trên thị trường vẫn chậm thay đổi thói quen kinh doanh. Các hoạt động giao dịch ngầm vẫn diễn ra hàng ngày trên thị trường.

Do công tác quản lí còn lỏng lẻo nên giá bất động sản dễ dàng bị thao túng, tình trạng nâng giá ảo luôn diễn ra, thông tin thị trường bị nhiễu, không đúng giá trị thực tế của bất động sản.

Tiếp đó, công tác qui hoạch xây dựng đô thị, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn và luôn đi sau sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Hạn chế về mặt quy hoạch cơ sở hạn tầng đã làm giảm sút sức hút đầu tư vào bất động sản của Việt Nam.

Phần lớn thị trường bất động sản mới phát triển cục bộ, tập trung ở những khu vực lân cận trung tâm kinh tế, thành phố lớn của các địa phương còn ở các vùng xa hơn vẫn chưa được các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản chú ý đến.

Hiện nay, thị trường giao dịch bất động sản vẫn chưa có đường lối phát triển theo hệ thống. Giữa các thị trường vốn - bất động sản chưa có sự liên thông hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Tình trạng thiếu vốn đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản nhất là ở các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là tình trạng chung. Vì vậy, sự tham gia của các tổ chức tín dụng, ngân hàng vào thị trường bất động sản lại sẽ góp thêm lực để thị trường bất động sản phát triển ổn định, nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Đến thời điểm này, xét về thị trường bất động sản, hệ thống luật Việt Nam đã có Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, trong đó có một số điều khoản gợi mở, thông thoáng để thị trường bất động sản phát triển.

Tuy nhiên để thị trường phát triển ổn định, thời gian tới hệ thống chính sách bất động sản cần đổi mới nhiều hơn nữa để hoàn thiện hơn, thông thoáng hơn nhằm nâng cao năng lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và phù hợp với tình hình thực tế.

>> “Mổ xẻ” rủi, may trên thị trường địa ốc (phần 1)

Theo VnEconomy